Năm 2019, được sự hỗ trợ của Chính phủ Úc, Trung tâm nghiên cứu Nông lâm miền núi - ADC và Trung tâm hợp tác phát triển Tây Bắc, Doanh nghiệp xã hội TABA đã triển khai Dự án phát triển phục hồi lúa tẻ râu, giống lúa bản địa theo hình thức sản xuất hữu cơ tại huyện Vân Hồ. Tham gia dự án, các thành viên Hợp tác xã Gạo Song Khủa và Hợp tác xã Nông Nghiệp và Du Lịch Đồng Rừng Vân Hồ đã được tập huấn về quy trình sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ kết nối với Doanh nghiệp Xã hội TABA trong chiến lược kinh doanh, đầu tư và phân phối sản phẩm ra thị trường. Trung bình, mỗi 1kg lúa tẻ râu có giá bán giao động từ 14.000-15.000 đồng, cao gấp đôi giá lúa thông thường, doanh thu mỗi năm thu được khoảng trên 65.000.000đ/hộ gia đình. Việc sản xuất theo hướng hữu cơ cũng giúp đất tơi xốp hơn, môi trường trong lành hơn, thu hút nhiều loại động vật như ếch, dế mèn, đom đóm, bướm sinh sống trên đồng ruộng.
Các hộ dân tham gia dự án
Tiếp nối thành công từ mô hình lúa hữu cơ, bà con bản Bướt xã Chiềng Yên cũng mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm hữu cơ để đa dạng hóa nguồn thu và thúc đẩy du lịch địa phương phát triển. Được sự hỗ trợ từ mạng lưới Thái Bình Dương về nghiên cứu biến đổi toàn cầu (APN), trong năm 2022 - 2023, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã chủ trì triển khai dự án “Khoa học công dân và đồng thử nghiệm để nhân rộng nông nghiệp khí hậu thông minh (CSA) ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam” tại bản Bướt với sự tham gia của 18 hộ dân. Dự án đã giúp bà con nắm bắt cách thức ủ phân, phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp sinh học, và kỹ thuật trồng rau hữu cơ; xây dựng hệ thống tưới tiêu tự động và cung ứng giống cây trồng hàng năm, cây ăn quả để cải tạo vườn tạp. Bên cạnh đó, bà con cũng được tập huấn, hướng dẫn thử nghiệm nuôi giun quế để cung cấp thêm nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng và thức ăn cho chăn nuôi gà, vịt.
Các hộ dân tham gia được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau hữu cơ
Được biết, bản Bướt là bản vùng cao đặc biệt khó khăn của xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Dao. Hơn 90% sinh kế của dân bản phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng nông sản làm ra vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường. Sau khi tham gia dự án, những vườn rau xanh tươi, an toàn đã thổi làn sinh khí mới, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, mở rộng diện tích. Các khu vườn trống giờ được quy hoạch một cách sáng tạo để trồng rau, củ, quả theo mùa, hệ thống tưới được lắp đặt dọc các luống rau, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt giảm hẳn hiện tượng khô héo do thiếu nước vào mùa khô.
Mô hình trồng rau hữu cơ tại bản Bướt
Đặc biệt, rau xanh được trồng theo hướng hữu cơ cũng chính là nguồn thực phẩm an toàn để cung ứng trực tiếp cho các hộ làm homestay trên địa bàn, phục vụ nhu cầu của khách du lịch khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Chiềng Yên. Phần còn lại do Hợp tác xã Nông Nghiệp và Du Lịch Đồng Rừng Vân Hồ, Trung tâm Phát Hợp tác phát triển Tây Bắc (TABA) thu mua và kết nối thị trường tiêu thụ ở Hà Nội. Đồng thời, xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm làm rau hữu cơ cho học sinh và mở hội chợ nông sản để thu hút thêm lượng khách du lịch đến với bản.
Chợ nông sản bản Bướt
Với sự liên kết 3 nhà, nhà nông - hợp tác xã, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu, việc chuyển đổi sản xuất xanh theo mô hình hữu cơ kết hợp với du lịch đã góp phần thay đổi sinh kế, nâng cao đời sống cũng như diện mạo NTM của bản. Người dân bản Bướt ngày càng ý thức hơn trong việc sản xuất xanh nhằm bảo vệ môi trường. Đây cũng là tiền đề để huyện Vân Hồ nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hưu cơ trên địa bàn với mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với du lịch trải nghiệm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.