Tết độc lập trong đời sống đồng bào Mông

Thứ tư - 30/08/2023 23:22 638 0
Cùng với cả nước, dịp này nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói chung, Vân Hồ nói riêng đang phấn khởi chào mừng kỷ niệm 78 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đối với đồng bào dân tộc Mông ở Vân Hồ, bà con vui đón Tết độc lập như ngày tết chính của dân tộc mình.
Tha Kềnh trên cột - nét truyền thống trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông
Tha Kềnh trên cột - nét truyền thống trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông
          Đã thành thông lệ, dịp 2/9 đồng bào dân tộc Mông ở huyện Vân Hồ lại nô nức vui đón Tết Độc lập. Trên mỗi nẻo đường, không khó để bắt gặp những ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của các chàng trai, cô gái dân tộc Mông tự hào hướng về ngày Tết Độc lập. Tại xã trung tâm của huyện, năm nay UBND huyện đã tổ chức Giải thi đấu các môn thể thao dân tộc xã Vân Hồ mở rộng nhằm khích lệ, động viên tinh thần của người dân. Đây cũng là dịp để bà con được giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết, 1 lòng hướng về Đảng, về Bác Hồ kính yêu. Theo phong tục tổ tiên, những ngày này gia đình anh Giàng A Thông ở bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ đã tất bật dọn dẹp nhà cửa, treo cờ Tổ quốc chuẩn bị trang phục mới cho các thành viên trong gia đình để đón ngày hội lớn của dân tộc. Anh Giàng A Thông chia sẻ: Trong 1 năm với người Mông chúng tôi có 2 cái tết. Cái tết 2/9 còn to hơn vì ngày đấy là ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam mình. Vì thế từ lâu rồi chúng tôi vẫn duy trì cái tết này. Gia đình tôi dọn dẹp nhà cửa và treo cờ Tổ quốc để đón Tết độc lập.
         Cũng như bao người phụ nữ dân tộc Mông khác, gần 1 tháng nay, chị Giàng Thị Ganh ở bản Co Chàm xã Lóng Luông dành nhiều thời gian hơn để hoàn thiện cho mình và gia đình những bộ váy áo mới truyền thống của dân tộc. Để giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào, chị Ganh đã truyền dạy cho con dâu, con gái cách làm 1 bộ trang phục truyền thống từ vẽ sáp ong, thêu họa tiết trên nền vải chàm đến hoàn thiện những đường may. Chị Ganh cho biết thêm: Để làm được một bộ quần áo như thế này phải mất từ hai đến ba tháng. Một người phụ nữ có bàn tay khéo léo thì 1 năm có thể làm được cho gia đình mỗi người một hai bộ. Vào dịp tết độc lập tôi lại chuẩn bị cho các thành viên trong gia đình bộ quần áo mới để đi chơi đón Tết độc lập. 
          Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông độc đáo về kiểu dáng với nhiều gam màu sặc sỡ của hoa văn. Quần áo của người Mông chủ yếu may bằng vải tự dệt, nhuộm chàm, vẽ sáp ong và thêu. Họa tiết chủ đạo với đường viền là hình vuông, chữ thập, hình quả trám, tam giác, tròn, xoáy đơn, xoáy kép, răng cưa, đường cong, đường lượn sóng... Theo quan niệm của người Mông, mặc quần áo mới vào những ngày lễ tết sẽ mang lại điều may mắn. Vui đón Tết độc lập cũng là dịp để bà con đồng bào Mông được gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện với những người bạn tâm giao. Xuống chợ, họ kể cho nhau nghe về cuộc sống, về những vui buồn của 1 năm đã qua và chia sẻ với nhau kinh nghiệm lao động sản xuất, làm giàu chính đáng ở quê hương. Chị Giàng Thị Mai - bản Co Chàm, xã Lóng Luông bộc bạch: 2/9 là dịp đồng bào chúng tôi được gặp nhau sau một năm làm ăn vất vả, anh em họ hàng gặp nhau chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất để có cuộc sống ngày càng phát triển hơn.
          Tết độc lập của người Mông kéo dài từ 30/8 đến ngày 2/9 nhưng đông vui nhất là ngày 1/9. Chọn cho mình bộ trang phục đẹp và rực rỡ nhất, những chàng trai, cô gái Mông có dịp tìm hiểu, hẹn hò và trao cho người mình thương lời tỏ tình ngọt ngào nhất. Theo thời gian, phong tục “bắt vợ” của đồng bào Mông đã dần được thay đổi, phù hợp với quy định của pháp luật.
          Là người con của đồng bào dân tộc Mông, gia đình Anh Tráng A Chu ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ vẫn giữ vẹn nguyên những nét đẹp truyền thống mà cha ông để lại. Đó là phong tục giã bánh dày, làm mèm mén, nấu rượu ngô. Ông bà, cha mẹ kể cho con cháu nghe ký ức về ngày Tết Độc lập; các con cháu thì háo hức mong chờ được xuống chợ để sắm quần áo, đồ dùng chuẩn bị cho năm học mới. Nhớ lại thời niên thiếu của mình, anh Chu kể, 2/9 anh thấy người lớn sắm sửa đi chơi Tết, nhưng vì lúc đó đường sá đi lại còn khó khăn, điều kiện kinh tế còn eo hẹp, trẻ con hiếm khi được đi theo. Có năm được bố mẹ đưa đi chơi Tết, anh Chu lại háo hức, mong chờ. Bởi không khí vô cùng sôi động, người người gặp nhau, cười nói hân hoan và trong tâm thức của mình, anh vẫn luôn nhớ những câu chuyện của các già kể lại về niềm tự hào dân tộc, về ngày khai sinh ra nước Việt Nam. Anh Chu phấn khởi nói: Tết độc lập này gia đình chúng tôi luôn nhắc nhở con cháu, nhờ có chủ trương của Đảng, nhà nước, đã đẩy lùi được chiến tranh và đất nước được hoàn toàn độc lập. Ngày nay, được sống trong hòa bình, đất nước phồn vinh thì người Mông cũng phải tu chí làm ăn, tích cực lao động sản xuất, con cháu chăm chỉ đến trường, đến lớp, học tập chuyên cần để góp sức xây dựng quê hương.
        Lời bài hát trong ca khúc người mèo ơn Đảng của nhạc sỹ Thanh Phúc như nói thay tiếng lòng của bà con dân tộc Mông cùng quyết tâm 1 lòng theo Đảng, theo Bác Hồ kính yêu. Và Tết Độc lập hàng năm không chỉ là ngày hội của đồng bào mà còn là nét văn hóa trường tồn, là lời nhắc nhở mỗi người con dân tộc Mông phải nỗ lực vươn lên, tích cực lao động sản xuất theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
 

Tác giả: Admin

Nguồn tin: T/h: Minh Huệ (Trung tâm TTVH Vân Hồ)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây