Vân Hồ phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững

Thứ năm - 20/06/2019 11:50 1.508 0
Là huyện cửa ngõ của tỉnh, Vân Hồ được thiên nhiên ưu đãi với nhiều phong cảnh đẹp, đa dạng, phong phú, khí hậu mát mẻ quanh năm, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và nghỉ dưỡng.
Vân Hồ phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững

 

Đồi chè Nhật tại xã Vân Hồ – điểm thu hút khách du lịch.

Huyện Vân Hồ nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2050/QĐ-TTg ngày 12/11/2014. Đây là điều kiện thuận lợi để Vân Hồ phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Mộc Châu mới được 5 năm, song đến nay, Vân Hồ đã xây dựng hoàn thiện Khu trung tâm hành chính, chính trị huyện và các hạng mục đường giao thông nội bộ, hệ thống quảng trường, công viên vui chơi, giải trí, khu nghỉ dưỡng sinh thái, khách sạn, nhà hàng…

Có điều kiện khí hậu tương tự các khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Việt Nam, như: Sa Pa, Tam Đảo… với quỹ đất rộng, thuận lợi để Vân Hồ khai thác lợi thế phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và du lịch. Huyện Vân Hồ đã tập trung lồng ghép các chương trình, triển khai các dự án, như: Sử dụng kinh phí sự nghiệp chương trình xây dựng mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; kinh phí sự nghiệp nông, lâm nghiệp và các nguồn kinh phí từ các Nghị quyết của tỉnh hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La; chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã trồng cây ăn quả, cây dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021… để phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế của địa phương.

Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp sạch gắn với du lịch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất đề ra, huyện Vân Hồ tập trung chỉ đạo người dân chuyển đổi diện tích cây lương thực trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: Xoài, nhãn, cây có múi và một số loại cây trồng địa phương chất lượng cao; nhân diện mô hình cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục khảo nghiệm các cây ăn quả giống mới để phong phú cơ cấu giống cây ăn quả; từng bước hình thành các vùng chuyên canh về cây ăn quả. Ngoài ra, huyện chú trọng phát triển cây chè, loại cây công nghiệp có thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện, phát triển đồng đều theo 2 hướng: Trồng mới, khôi phục mở rộng diện tích và đầu tư thâm canh để tăng năng suất, sản lượng, lấy hiệu quả thu nhập trên một đơn vị diện tích là mục tiêu. Đến nay, tổng diện tích cây chè trên địa bàn huyện Vân Hồ có 1.024 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm là 899 ha, sản lượng thu hoạch chè búp tươi đạt 8.730 tấn/năm. Ngoài giá trị kinh tế từ búp chè, những đồng chè rộng lớn, trải dài một màu xanh mướt còn là điểm du lịch trải nghiệm thú vị, thu hút du khách đến với Vân Hồ. Cùng với đó, huyện tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tăng cường phát triển các sản phẩm mang đặc trưng của địa phương, như: Đào mèo Lóng Luông, khoai sọ mán, lúa tẻ râu Song Khủa, rau an toàn…

Ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho biết: Cùng với việc tập trung phát triển các loại cây ăn quả, rau màu, Vân Hồ còn có tiềm năng lớn để phát triển các loại giống cây dược liệu như Actisô, bạch truật, dương cam cúc, đương quy, huyền sâm, giảo cổ lam và nhiều cây dược liệu quý khác. Hiện, Vân Hồ đưa vào quy hoạch phát triển trồng cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phát triển vùng nuôi trồng cây, con làm thuốc; bảo hộ, bảo tồn nguồn gen và phát triển những loại dược liệu quý hiếm, đặc hữu trên cơ sở tăng cường đầu tư kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, mang lại thu nhập cao, bền vững cho nông dân. Trong tương lai, nơi đây sẽ là địa chỉ chữa bệnh, giới thiệu nam dược, nghỉ dưỡng cao cấp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, thư giãn cho du khách và nhân dân.

Hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch luôn được huyện Vân Hồ quan tâm, giới thiệu để các nhà đầu tư tìm hiểu về tiềm năng đất đai, khí hậu, nhân lực đối với từng địa điểm đã quy hoạch. Hiện, trên địa bàn huyện có 38 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và chủ trương đầu tư, trong đó có một số dự án đầu tư phát triển du lịch, như: Dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng và dịch vụ hỗn hợp Bó Nhàng; Dự án khu du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng Chiềng Yên của Công ty cổ phần thương mại và du lịch Chiềng Yên; Dự án thiên đường hoa và các dự án phát triển bản du lịch cộng đồng,…

Để phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch, trong thời gian tới, huyện Vân Hồ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sạch gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý cụ thể. Đồng thời, đầu tư nâng cao giá trị nông sản gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, từng bước xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án về du lịch, dịch vụ gắn với phát triển nông nghiệp bền vững.

Tác giả: Duy Tùng – Báo Sơn La.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây