Cây di sản - Gốc Mít bản Phụ Mẫu 2

Thứ tư - 30/12/2015 04:49 3.121 0

Cây di sản - Gốc Mít bản Phụ Mẫu 2

Nhằm Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các Ban, ngành, đoàn thể và nhân dân về việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời đẩy mạnh việc phát triển Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với bảo vệ môi trường tại địa phương.
Ủy ban nhân dân huyện đã tiến hành lập và hoàn thiện hồ sơ gửi lên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đề nghị công nhận Cây di sản đối với 2 cây đa xã Vân Hồ, 1 cây Trò chỉ xã Mường Men và Gốc mít xã Chiềng Yên.
Gốc mít hiện nay nằm trong khuôn viên khu vườn nhà bác Trần Văn Xuân trú tại bản Phụ Mẫu 2, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ. Từ ngã ba khu rừng già (khu rừng nguyên sinh có nhiều cây cổ thụ, cách ngã ba Đồng Bảng 20km) vượt qua khoảng 7 km đường quanh co, cua gấp, đèo dốc hiểm trở với sương mây giăng mắc dày đặc, qua bản Nà Bai (bản dân tộc Mường) tiến sâu vào trung tâm xã tầm 2,3km sẽ đến bản Phụ Mẫu nơi có gốc mít với tuổi đời lên tới hơn 200 năm này.
Cái tích về tên bản Phụ Mẫu đã cho ta thấy tò mò và thú vị về vùng đất đầy bí ẩn và mộng mơ này rồi chứ chưa nói gì đến nghe các cụ cao niên trong bản kể chuyện về gốc mít trăm tuổi. Các cụ kể rằng trước ở đây có nhiều tổ mối nên người xưa gọi theo tiếng Thái tên bản là “Hang tô Mau”, sau đọc lái thành “Phụ Mẫu” ;có cụ lại kể do trước đây bản nhỏ, lâu dần được mở rộng rồi tách thành hai bản là bản bố và bản mẹ tác hợp gọi chung là bản Phụ Mẫu.
Cụ Vì Kim Tiến (sinh năm 1935) cho biết không biết rõ được chính xác cây mít được ai trồng và trồng từ bao giờ nhưng từ khi bà còn là cô bé 4,5 tuổi mặt lấm lem bùn đất thì gốc mít đã sừng sững, vững chãi ở đó rồi. Gốc Mít được coi như linh hồn của người dân bản Phụ Mẫu 2 bởi nó đã gắn bó với người dân nơi đây từ thuở lập bản, lập mường chỉ có vài hộ dân sinh sống, mỗi nhà cách nhau hàng cây số cho đến tận bây giờ khi mà số hộ đã là 101 hộ, dân cư đông đúc, nhà cửa san sát.
Quả không sai với tên gọi Gốc Mít cổ thụ, thân cây to, đường kính rộng, phải 3 người ôm mới xuể. Cây không vươn cao như các cây khác mà dồn chất đi nuôi thân và quả, chỉ cao khoảng 3,4m. Cụ Tiến bảo trước đây, cứ mỗi khi đến mùa là quả lại chúc chích chen nhau từ tận dưới gốc lên; được cái mít quả to, dày múi, ít xơ, vị ngọt đậm, vàng ruộm; khi chín hái về đủ chia cho tất cả các con cháu trong bản ăn.

Gốc Mít còn là chứng nhân lịch sử, không chỉ chứng kiến sự tàn phá, quấy nhiễu, cướp bóc dân bản của thực dân Pháp khi chúng đóng quân tại suối Rút (đường ra Thác Bờ về Đồng Bảng, Mai Châu hiện nay) mà còn chứng kiến sự kiên trung, trung thành, đoàn kết, yêu nước của những Trung đoàn, Sư đoàn bộ đội, quân tình nguyện hành quân lên tiếp viện góp phần giải phóng Mộc Châu, giúp nước bạn Lào chống chủ nghĩa thực dân.
Gốc Mít bản Phụ Mẫu trải qua bao thăng trầm lịch sử, bao biến cố của thời gian vẫn đứng đó sừng sững như linh hồn của làng bản, chở che cho người dân nơi đây cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc.

Nguồn tin: vanho.sonla.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây