SẮC MÀU DU LỊCH VÂN HỒ

Khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ; nhiều nét văn hóa độc đáo... tạo nên sắc màu riêng cho du lịch Vân Hồ - “Xứ sở sương mù”.

Vân Hồ “xứ sở sương mù”, cửa ngõ của tỉnh, nằm trong quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Nơi đây, được tạo hóa ban tặng khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với nhiều nét hoang sơ, thơ mộng; nhiều nét văn hóa độc đáo với các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc các dân tộc... tạo nên sắc màu riêng cho du lịch Vân Hồ.

                                 

du lịch vân hồ

           

DU LỊCH VÂN HỒ - Thiên đường nơi "Xứ sở sương mù”

           Tạm xa không khí ồn ào, náo nhiệt nơi phố thị, chúng tôi về Vân Hồ, cảm nhận vẻ bình yên, đầy quyến rũ của vùng đất này. Ấn tượng đầu tiên giữa những ngày hè, vẫn được thưởng thức “đặc sản” của vùng đất này là “mây mù” lãng đãng trôi. Tham gia hành trình, anh Phạm Xuân Định, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vân Hồ, chia sẻ: Thời tiết ở Vân Hồ “đỏng đảnh” dễ thay đổi như thiếu nữ mới lớn, có những lúc trời đang quang, không biết mây mù ở đâu kéo đến bao phủ cả một vùng, rồi vội vàng trôi theo gió.

           

du lịch vân hồ

Thác Nàng Tiên tại xã Chiềng Khoa vẫn giữ được nét hoang sơ.

           

Vân Hồ nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, hưởng không khí mát mẻ quanh năm với nền nhiệt độ bình quân chưa đến 20 độ C. Vân Hồ thường được ví với những điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng có khí hậu tương đồng như Sa Pa, Tam Đảo hay Đà Lạt, nhưng có một điểm khác biệt là không khí ở Vân Hồ trong lành hơn. Lượng mưa ổn định của Vân Hồ rất thích hợp cho sản xuất các loại cây ăn quả, rau củ, rau gia vị, cây dược liệu, hay các loại thực vật ôn đới. Vân Hồ thành vùng nguyên liệu, cung cấp những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng, như: Đào, mận, dâu tây, chè được nuôi dưỡng bằng sương mù bao phủ.

          

du lịch vân hồ
Khu du lịch sinh thái “The Nordic Village” tại rừng thông Hua Tạt, xã Vân Hồ.

 

 Vân Hồ Sơn La cách Hà Nội bao nhiêu km      

Về vị trí địa lý, huyện Vân Hồ cách Thủ đô Hà Nội 170 km, đường giao thông thuận tiện. Nằm giữa hai địa chỉ du lịch nổi tiếng cấp quốc gia là vùng hồ thủy điện Hòa Bình và trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Với địa hình cao nguyên đá vôi, huyện Vân Hồ có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, kỳ vĩ, đa dạng và phân bố trên toàn địa bàn huyện. Nơi đây còn có thảo nguyên đa sắc màu với màu xanh của đồi chè, đồng cỏ; lúc trắng tinh khôi hoa mận, hoa cải, lúc hồng phai sắc đào... Mảnh đất này còn thơ mộng với hồ sông Đà, những dòng thác trắng xóa như dải lụa vắt qua núi, như: Thác Tạt Nàng, suối nước nóng Chiềng Yên; Thác Chiềng Khoa, Thác Nàng Tiên (xã Chiềng Khoa), rừng già Xuân Nha, Pa Cốp hùng vĩ hay kỳ bí với hang mộ Tạng Mè (xã Suối Bàng)...     

Nhiều nét văn hóa đặc sắc ở Vân Hồ

Vân Hồ là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc, mỗi dân tộc có nét văn hóa truyền thống, mang bản sắc riêng, được bảo tồn và phát triển, tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng, nhiều sắc màu. Không thể bỏ qua khi đến du lịch Vân Hồ là tham quan các bản du lịch cộng đồng Vân Hồ được nhiều người biết đến, như: bản du lịch cộng đồng Nà Bai, Phụ Mẫu (Chiềng Yên); bản du lịch cộng đồng Hua Tạt (Vân Hồ)... để trải nghiệm một cuộc sống giản dị của những người đồng bào dân mộc mạc, gần gũi và mến khách.

Tại đây, du khách được tham gia sinh hoạt cộng đồng, trải nghiệm làm nông và thưởng thức những bữa ăn mang đậm hương vị núi rừng, như: cơm lam, xôi ngũ sắc, cá suối, lợn “còi”, rau rừng... và được hòa mình vào không khí rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống vang dội giữa núi rừng hay say đắm trước những điệu dân ca, múa xòe của các thiếu nữ dân tộc.

           

du lịch vân hồ
Du khách trải nghiệm giã bánh dày tại “A Chu homestay” khi du lịch Vân Hồ.

          Vân Hồ luôn chú trọng bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch, như: Tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc nhân dịp Tết Độc lập 2/9, nay phát triển thành Chương trình “Sắc màu Vân Hồ”; xây dựng các đội văn nghệ quần chúng gắn với các bản du lịch cộng đồng phục vụ nhân dân và du khách. Duy trì tổ chức lễ hội Hoa Ban (Chiềng Khoa); Ngày hội hoa Đào (Lóng Luông). Huyện đã và đang tiếp tục tập trung xây dựng các bản du lịch cộng đồng, nổi bật như bản du lịch cộng đồng Hua Tạt, xã Vân Hồ được đánh giá là điểm sáng, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, là mô hình được nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh đến thăm quan học tập.

           

Ông Vũ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, thông tin: Với tiềm năng, thế mạnh cảnh quan, thiên nhiên, huyện đã chú trọng phát triển đa dạng các hình thức du lịch, từ du lịch truyền thống, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp, du lịch khám phá - mạo hiểm cho đến du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, để ngày càng có nhiều du khách đến du lịch Vân Hồ tham quan, trải nghiệm.

           

Những loại hình du lịch độc đáo ở Vân Hồ

Một trong những điểm dừng chân thu hút nhiều du khách khi đến du lịch Vân Hồ là “A Chu Homestay” của chàng trai dân tộc Mông Tráng A Chu - người tiên phong làm du lịch cộng đồng bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, vừa mang phong cách hiện đại, độc đáo nhưng vẫn đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Tây Bắc. Đến thăm đúng lúc anh Chu đang hoàn thiện bể sục tắm thuốc để phục vụ du khách. Khá bất ngờ vì cơ ngơi của gia đình anh, bởi cách đây gần 6 năm khi A Chu bắt đầu xây dựng homestay, chúng tôi cũng đến thăm và trải nghiệm lúc đó còn đơn sơ lắm. Bây giờ, Homestay được đầu tư quy mô bài bản với khu vực ăn, phòng ở cộng đồng, 10 phòng đơn, khu vực tắm thuốc.

           

Du khách thích “A Chu Homestay” bởi đến đây được đắm mình trong không gian của bản dân tộc Mông; tham gia các hoạt động trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc, cuộc sống thường ngày của dân tộc Mông. Tại đây rất nhiều nét đẹp văn hóa của người Mông được tổ chức như: Vẽ sáp ong trên vải, giã bánh dày, giã gạo, chơi các trò chơi truyền thống...

Đặc biệt, đến đây du khách được thưởng thức ẩm thực “cây nhà lá vườn ” với những trái bí đỏ được trồng xung quanh nhà, gà đồi, lợn “cắp nách”, qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông trở thành những món ăn đặc sản khiến du khách không thể nào quên. Vợ chồng A Chu cũng chính là những “diễn viên” trực tiếp tham gia đội văn nghệ, biểu diễn những điệu nhạc truyền thống như múa khèn, sáo Mông, đàn môi, những bài hát dân tộc xao xuyến lòng người.

           

Thời điểm chưa bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bình quân mỗi tháng homestay của A Chu đón khoảng 400 - 500 lượt khách tới thăm quan, nghỉ dưỡng; doanh thu từ du lịch hàng năm của gia đình đạt trên 1 tỷ đồng. A Chu không những là người dân tộc Mông đầu tiên ở bản Hua Tạt tiên phong làm du lịch cộng đồng mà anh còn hướng dẫn, giúp đỡ anh em, họ hàng, bà con trong bản và các bản khác cùng phát triển mô hình này.

Hiện nay, tại bản Hua Tạt đã có 5 hộ xây dựng mô hình homestay. A Chu chia sẻ: Ngay từ khi làm mô hình, mình đã mong ước có ngày cả bản sẽ làm du lịch. Nay mình đã có những thành công bước đầu thì cần phải chia sẻ, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm cùng bà con, để có thể xóa đói nghèo từ làm du lịch.

           

du lịch vân hồ
Một góc bản du lịch cộng đồng Nà Bai, xã Chiềng Yên (Vân Hồ).

 

Cách “A Chu homestay” không xa là khu du lịch sinh thái “The Nordic Village” nằm giữa rừng thông bản Hua Tạt. Đúng như tên gọi, khu du lịch mang đậm phong cách của làng Bắc Âu, với những thảm cỏ xanh, những hàng cây lá kim ngay sát những ngôi nhà gỗ mộc mạc, nhưng không kém phần sang trọng, không gian tĩnh lặng, yên bình đầy thu hút. Đây là một trong những sản phẩm du lịch mới của Công ty cổ phần du lịch Pha Luông (Mộc Châu). Một thương hiệu du lịch có uy tín của huyện Mộc Châu, với nhiều sác sản phẩm du lịch nổi tiếng, như: Cầu kính tình yêu tại Khu du lịch sinh thái thác Dải Yếm, xã Mường Sang (Mộc Châu); công viên ánh sáng Pha Luông... thu hút nhiều du khách. 

           

Ông Đinh Hồng Phúc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Pha Luông, chia sẻ: Sau thời gian gần 10 năm làm du lịch trên cao nguyên Mộc Châu, với mong muốn tạo sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến thăm quan. Qua khảo sát chúng tôi thấy, rừng thông Hua Tạt với nhiều cây cổ thụ, nơi đây có thời tiết lạnh thường thấp hơn 3-4°C so với Mộc Châu, thích hợp thực hiện khu nghỉ dưỡng cao cấp mang phong cách của làng Bắc Âu.

Khu du lịch được triển khai từ tháng 3/2020, quy mô 20 ha, với nhiều hạng mục nhà ăn, nhà nghỉ, căn hộ cao cấp được xây dựng bằng gỗ nhập khẩu và những vật liệu thân thiện với môi trường. Chúng tôi bắt đầu đón khách vào dịp 30/4, 1/5 vừa qua, được du khách đánh giá cao. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục với điểm nhấn là cối xay gió, phấn đấu hoàn thiện vào dịp 30/4/2022, với mục tiêu trở thành một điểm du lịch hấp dẫn tại Vân Hồ.

           

Hiện nay, Vân Hồ có 10 nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng và 15 nhà nghỉ cộng đồng (homestay) đang hoạt động, chủ yếu trên địa bàn 4 xã Vân Hồ, Chiềng Yên, Chiềng Khoa và Lóng Luông. Thành công bước đầu của các homestay, khu nghỉ dưỡng từng bước khai thác những tiềm năng, lợi thế, hình thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch trên cao nguyên Mộc Châu, Vân Hồ.

XEM THÊM: Danh sách đầy đủ khách sạn, homestay Vân Hồ, Mộc Châu
 

Du lịch Vân Hồ đang có những khởi sắc, tuy nhiên vẫn chưa phát triển tương xứng so với tiềm năng, còn khá mờ nhạt trên cung đường “du lịch qua miền Tây Bắc”. Làm thế nào để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành nguồn lực phục vụ việc phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững vẫn là niềm trăn trở của cấp ủy, chính quyền huyện Vân Hồ.

 

KHÓ KHĂN KHI PHÁT TRIÊN DU LỊCH VÂN HỒ

 

Du lịch ở Vân Hồ mới bắt đầu  nhen nhóm mấy năm gần đây, chủ yếu là các điểm du lịch cộng đồng. Ở xã Chiềng Yên, một trong những địa bàn hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch; có thác Tạt Nàng, có suối nước nóng tại bản Phụ Mẫu hàm lượng khoáng cao, nhiệt độ ổn định, hòa cùng với khung cảnh nên thơ của núi rừng; có suối cá bản Bướt, với chiều dài trên 3 km, có nhiều loài cá khác nhau được nhân dân bản địa bảo tồn một cách tự nhiên. Cùng bản sắc văn hoá truyền thống phong phú, đa dạng của người dân bản địa, kết hợp với các món ẩm thực mang đậm bản sắc của dân tộc Mường, Thái...

 

du lịch vân hồ
Thác Chiềng Khoa một trong những thắng cảnh đẹp của Vân Hồ.

 

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, cả xã Chiềng Yên hiện chỉ có khoảng 20 hộ làm du lịch cộng đồng chủ yếu phục vụ ăn uống chưa có nhiều khách ngủ qua đêm; những thắng cảnh đẹp chưa được đầu tư, bài bản vẫn như “nàng công chúa ngủ trong rừng”.

Ông Bùi Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Yên, chia sẻ: Khó khăn lớn nhất trong phát triển du lịch ở Chiềng Yên là cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là đường giao thông, những xe du lịch lớn không vào được các điểm du lịch. Đã có nhiều doanh nghiệp đã đến tìm hiểu khảo sát nhưng đều không thấy quay trở lại. Cùng với đó, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn chưa có vốn để đầu tư phát triển du lịch quy mô lớn...

Còn tại xã Chiềng Khoa, nơi có thác Nàng Tiên và thác Chiềng Khoa (hay còn gọi là thác 7 tầng) đẹp không kém gì Thác Dải Yếm của huyện Mộc Châu, nhưng chưa được đầu tư, khai thác; hoạt động manh mún, tự phát. Ông Hoàng Văn Khun, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoa, cho biết: Năm 2020, UBND xã đã thành lập Ban quản lý di tích danh lam thắng cảnh quần thể thác Nàng Tiên, Chiềng Khoa và ban hành quy chế hoạt động quản lý thác. Tuy nhiên, do Ban quản lý thác mới thành lập và đa phần các thành viên trong ban quản lý đều là những người dân địa phương chưa được đào tạo về du lịch nên gặp khó khăn trong công tác quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn do không có kinh phí đầu tư nên chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của khách du lịch...

 

Ông Vũ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: Vân Hồ là một huyện mới thành lập, đa phần đều là những xã ở vùng sâu, vùng xa, biên giới thuộc diện khó khăn. Hiện chỉ có xã Vân Hồ, Chiềng Khoa là xã khu vực I. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư đồng bộ, việc mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, tính liên kết vùng của Vân Hồ với các địa phương khác, đặc biệt với Hà Nội, Hoà Bình trong hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thu hút được các công ty lữ hành khai thác hình thành các tour, tuyến du lịch.

 

du lịch vân hồ

Giao thông đi lại một trong những khó khăn trong phát triển du lịch cộng đồng tại bản Phụ Mẫu, xã Chiềng Yên.

Khái niệm làm du lịch đối với người dân ở Vân Hồ còn khá mới lạ; cơ sở vật chất để phục vụ du khách còn chưa được đầu tư đầy đủ, cách quản lý, hướng dẫn du khách chưa chuyên nghiệp, đa số các homestay chỉ dừng lại ở các dịch vụ: Lưu trú, tham quan, thưởng thức ẩm thực dân tộc và giao lưu văn nghệ...; chưa có những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng. Thêm vào đó, huyện Vân Hồ vẫn chưa tìm được những nhà đầu tư lớn, đủ tâm, đủ tầm và đủ năng lực tài chính, có kinh nghiệm làm du lịch để có thể làm thay đổi nhận thức của người dân, khai thác, phát huy hết được những tiềm năng, thế mạnh về du lịch của “xứ sở sương mù”.

 

Khơi dậy tiềm năng du lịch Vân Hồ

 

Nhận thức được những tồn tại, khó khăn trong phát triển du lịch, cấp ủy, chính quyền nơi đây đã và đang triển khai nhiều giải pháp để du lịch Vân Hồ phát triển xứng với tiềm năng, từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Ông Nguyễn Hợp Cường, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Đảng bộ huyện xây dựng chương trình hành động về phát triển du lịch, giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, có sự tương hỗ của ngành nông nghiệp; sản phẩm du lịch có chất lượng mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Vân Hồ. Xây dựng huyện Vân Hồ là điểm đến hấp dẫn nằm trong khu du lịch quốc gia Mộc Châu, có hạ tầng du lịch, dịch vụ và các sản phẩm du lịch cơ bản đáp ứng các tiêu chí của khu du lịch quốc gia; có sức cạnh tranh so với các khu du lịch khác trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

 

Phát triển đồng bộ các lĩnh vực, đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và nhân văn; phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường để nâng cao đời sống nhân dân; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân đạt 10%/năm. Đến năm 2025, lượng khách đến Vân Hồ đạt trên 300.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 20.000 lượt. Doanh thu du lịch và dịch vụ du lịch hàng năm đạt trên 250 tỷ đồng...

 

Vân Hồ đang tập trung triển khai nhiều giải pháp, như: Đồng hành với các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục về đầu tư, về thủ tục cấp hoặc cho thuê đất, mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án khu du lịch quốc gia Mộc Châu trên địa bàn huyện. Khuyến khích thực hiện xã hội hóa đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh; bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch, tổ chức Tour du lịch Vân Hồ; ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương kết hợp với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, nguồn ngân sách xã hội hoá, tập trung lập các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.

 

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên du lịch, nâng cao hình ảnh du lịch Vân Hồ trong và ngoài nước; phối hợp với các doanh nghiệp, công ty lữ hành lớn trong nước và quốc tế khảo sát thực tế tại địa phương; tranh thủ mời gọi đầu tư và các chính sách về ưu đãi đầu tư để phát triển du lịch.

 

Tập trung mọi nguồn lực, thu hút đầu tư tạo điểm nhấn mới, khác biệt về du lịch Vân Hồ. Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch. Xây dựng và hình thành các chương trình du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp. Phát triển thêm các loại hình: Du lịch nông thôn; du lịch tham quan; du lịch khám phá lồng ghép lịch sử, văn hóa, khảo cổ để tăng sự hấp dẫn đối với du khách. Kết nối hợp tác du lịch với các địa phương lân cận như Mai Châu, Đà Bắc (Hoà Bình), Mộc Châu... để đa dạng hóa và phát triển thị trường nguồn khách du lịch.

 

du lịch vân hồ

Nhà sinh hoạt cộng đồng tại thác Tạt Nàng, xã Chiềng Yên do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ 

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển bền vững các di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch, như: Khu đồi thông bản Hua Tạt (Vân Hồ); rừng đặc dụng xã Xuân Nha; thác Tạt Nàng, suối nước nóng, suối cá (Chiềng Yên); di tích Khảo cổ hang mộ Tạng Mè (Suối Bàng), đền Hang Miếng (Quang Minh), thác Nàng Tiên, thác Chiềng Khoa, đền Nàng Bẳng Mương (Chiềng Khoa)...

Phục dựng, phát triển và nhân rộng các lễ hội như: Lễ hội hoa Ban, ngày hội hoa Đào, lễ Lập Tịnh, lễ hội Nào Sồng và các lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc khác. Khai thác, phát triển các đạo cụ, điệu múa, điệu khèn... của các dân tộc để phục vụ khách du lịch; phục dựng, phát triển các nghề truyền thống, như: Dệt thổ cẩm; rèn; đan mây tre; chế tác các đạo cụ dân tộc... tạo thành các sản phẩm đặc trưng bán cho du khách. Đào tạo nhân lực cho phát triển du lịch, đặc biệt là lao động được đào tạo, có kỹ năng phục vụ, khả năng quản lý, điều hành cơ sở du lịch, bồi dưỡng để người dân địa phương có kỹ năng trình diễn, thuyết minh, phục vụ, đáp ứng yêu cầu của du khách...

Vẫn biết phát triển du lịch ở Vân Hồ còn nhiều gian nan, nhưng với định hướng phát triển khoa học, bài bản, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, tin rằng, trong tương lai không xa, Vân Hồ sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình du lịch qua miền Tây Bắc.

 

Việt Anh - Mạnh Hùng (Báo Sơn La)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây