Vân Hồ còn níu lòng người bởi sự hồn hậu, ấm nồng trong bản sắc văn hóa, đời sống cộng đồng và tinh thần nỗ lực vượt khó của đồng bào các dân tộc.
Vân Hồ là huyện miền núi của tỉnh Sơn La, được tách ra từ huyện Mộc Châu vào năm 2013 với 14 xã. Về địa lý, Vân Hồ cách Hà Nội khoảng 170 km theo hướng tây bắc, giao thông thuận tiện. Với đặc thù địa hình cao nguyên, có nhiều cảnh quan hoang sơ và hùng vĩ, nhiều năm qua, mảnh đất này tạo được sức hút với khách du lịch trong nước và nước ngoài. Bên cạnh núi rừng, đèo dốc, thung lũng… Vân Hồ còn có những thảo nguyên bao la, đồi chè Shan Tuyết cổ thụ, hồ sông Ðà, thác Tạt Nàng, suối nước nóng Chiềng Yên, rừng già Xuân Nha, Pa Cốp, hang mộ Tạng Mè... Nét đặc sắc của địa phương còn thể hiện đầy sinh động trong phong tục, tập quán của nhiều đồng bào dân tộc như: Thái, Dao, H’Mông… chiếm hơn 90% dân số toàn huyện.
Vài năm trở lại đây, mô hình du lịch cộng đồng mang đến cho Vân Hồ diện mạo đầy sức sống. Dọc quốc lộ 6, đoạn qua địa phận huyện, không khó để tìm các điểm dịch vụ lưu trú (homestay) vì đã có hàng loạt biển quảng cáo nhỏ xinh bằng gỗ, trang trí thêm họa tiết hoa theo mùa với nét chữ mộc mạc chỉ dẫn du khách đến từng homestay trong các bản, làng du lịch cộng đồng như: bản Phụ Mẫu, Nà Bai, Bướt (xã Chiềng Yên), Lóng Luông (xã Lóng Luông), Thín (xã Xuân Nha), Suối Lìn, Hua Tạt (xã Vân Hồ)… Nét độc đáo trong du lịch cộng đồng ở đây là vẫn giữ được nét gần gũi, chan hòa với thiên nhiên ngay từ những mái nhà truyền thống, mảnh vườn xanh tươi, đến cách đón tiếp khách tình cảm như đón người trong nhà đi xa trở về. Du khách được tìm hiểu không gian văn hóa cộng đồng, phong tục, tập quán, trải nghiệm lao động sản xuất, đắm mình trong các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian và tinh hoa ẩm thực Tây Bắc với nhiều đặc sản: xôi ngũ sắc, thịt chua, ốc đá, cá suối, rau rừng… Dấu ấn chuyên nghiệp cũng được thể hiện trong cách bài trí cảnh quan, tiện nghi, dịch vụ, văn nghệ thôn bản…
Mùa hoa Vân Hồ không chỉ hiện hữu qua trực giác, mà những câu chuyện, truyền thuyết của đồng bào các dân tộc sinh sống tại đây luôn đậm đà sắc màu huyền bí. Thác Tạt Nàng ở xã Chiềng Yên gắn với truyền thuyết về lễ hội Hoa ban Xên Bản - Xên Mường, nét văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái với tâm nguyện thỉnh bái “Then”, vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần theo quan niệm của đồng bào Thái và thỉnh bái “nàng Ban”, nữ nhân vật huyền thoại biểu trưng cho vẻ đẹp tinh khôi của người con gái và tình yêu đôi lứa thủy chung. Ðồng bào chăm chút, nâng niu những mùa hoa không chỉ bởi vẻ đẹp vùng miền, mà đó còn là biểu tượng về niềm vui, sức sống giữa nơi đất cằn, đèo cao, dốc thẳm. Nhờ cây cối, hoa trái mà đời sống thêm rộn ràng, ấm no, những câu hát và điệu múa nhờ nương theo sắc hoa mà trở nên dìu dặt. Ngoài thưởng thức vẻ đẹp những mùa hoa, du khách còn thích khám phá rừng thông cổ thụ ở bản Bó Nhàng, Hua Tạt với diện tích hơn 100 ha. Vào mùa xuân, cả cánh rừng được bao phủ bởi thảm sương mù dày đặc, khi ánh nắng bình minh xuyên qua sẽ tạo nên khung cảnh huyền ảo như chốn bồng lai tiên cảnh. Ðối với du khách trẻ tuổi, còn bị cuốn hút bởi trào lưu “check-in” giữa những đồi chè bát ngát, diện tích hàng nghìn héc-ta tại các xã: Vân Hồ, Chiềng Khoa, Tô Múa, Chiềng Yên... Khu đồi chè Nhật với diện tích hơn 50 ha nhìn ra hồ Sao Ðỏ, thung lũng hoa cải và khu chăn nuôi bò sữa. Ðây cũng là điểm đến quen thuộc của du khách nước ngoài thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát.
Gia đình anh Tráng A Chu ở bản Hua Tạt kinh doanh du lịch vài năm nay. Anh hào hứng mời du khách tham quan những vườn mận, vườn đào đang khoe sắc giữa thung lũng. Nhiều thung lũng hoa tiếp nối nhau, nở theo mùa là điểm nhấn khiến Hua Tạt có những tua du lịch theo mùa hoa và những người dân như anh trong vai trò hướng dẫn viên địa phương cũng thể hiện rõ nét chất phác, tươi vui như khung cảnh. Tráng A Chu tốt nghiệp cử nhân ngành công nghệ thực phẩm của Trường đại học Bách khoa Hà Nội, trở về xây dựng kinh tế trên mảnh đất quê hương. Anh và bố - ông Tráng A Súa - là những người đầu tiên trong bản xây dựng ngôi nhà sàn gỗ độc đáo, kết hợp nét truyền thống của ngôi nhà đồng bào dân tộc H’Mông với tiện ích hiện đại của công trình phụ, sân chơi… để đón khách du lịch. Homestay của gia đình anh có hai phòng nghỉ cộng đồng đáp ứng nhu cầu của đoàn khách đông đúc, và nhiều phòng nghỉ riêng.
Bên cạnh đó, gia đình dành một diện tích vườn lớn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau và dược liệu làm nguồn thực phẩm sạch tại chỗ cung cấp cho nhà bếp. Khi chưa có dịch Covid-19, trung bình mỗi tháng homestay nhà Tráng A Chu đón khoảng 400 - 500 lượt khách, riêng các ngày nghỉ lễ luôn kín phòng. Năm 2019, homestay này đón gần 7.200 lượt khách, chưa kể số khách tới đặt ăn mà không nghỉ lại. Nguồn thu từ dịch vụ du lịch mang đến cho các hộ kinh doanh mức thu nhập ổn định. Vợ chồng anh Tráng A Chu còn trực tiếp tham gia đội văn nghệ, biểu diễn những điệu nhạc truyền thống của người H’Mông như: múa khèn, thổi sáo, đàn môi, những bài hát cha ông truyền lại. Anh thổi sáo hay nổi tiếng khắp bản và bây giờ, hễ nhắc tới Vân Hồ, du khách nào từng lưu trú đều nhớ người đàn ông dân tộc H’Mông với những bài sáo “Ðêm trăng bản Mèo”, “Xuân về trên bản Mông”... ngân vang bên bếp lửa. Nhận thấy tiềm năng du lịch của địa phương, anh nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ các hộ trong bản và bản khác cùng phát triển thêm nhiều mô hình homestay khác.
Mới đầu xuân, nhưng trong những thung lũng đào, mận, đã bắt gặp từng dáng người cặm cụi chăm chút để mùa hoa đậu quả. Thấy khách thăm, người dân tạm ngừng tay, hồ hởi chia sẻ, tỉnh Sơn La có kế hoạch tổ chức sự kiện du lịch “Sơn La - Mùa quả ngọt” năm 2021. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, thì mùa hoa này sẽ thành quả ngọt, giới thiệu tới du khách khắp các vùng miền, bà con có lo lắng, chăm chút đến “mất ăn, mất ngủ” cũng chẳng sao.
Với hơn 800 ha đào, mận tại hai xã Vân Hồ, Lóng Luông, địa phương được xác định là một trong những vựa hoa quả chính của tỉnh Sơn La với lượng quả tươi đạt hơn 4.000 tấn mỗi năm. Bên cạnh cây trồng truyền thống, huyện mở rộng được hơn 30 ha cây dược liệu quý như: đẳng sâm, hà thủ ô, sa nhân, đương quy... vừa sử dụng làm thuốc chữa bệnh, vừa hình thành vùng tham quan, chế biến sản phẩm phục vụ du lịch.
Ngoài du lịch sinh thái, địa phương còn mong muốn được quảng bá tới du khách các tua, tuyến gắn với văn hóa, lịch sử như: Khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ nằm trên địa bàn sáu xã: Quang Minh, Mường Tè, Song Khủa, Tô Múa, Mường Men, Chiềng Khoa, nơi ghi dấu bao chiến công hiển hách của đồng bào các dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những chiến công đã được ghi vào lịch sử: Nơi tổ chức Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ nhất, tại bản Cóm, xã Mường Men; sự kiện Hũ rượu ngàm bản Lòm, xã Quang Minh; nơi thành lập trung đội vũ trang đầu tiên tại bản Nà Ðồ, xã Chiềng Khoa... Hoặc khám phá hệ thống di chỉ khảo cổ Hang mộ Tạng Mè tại xã Suối Bàng nằm ven sông Ðà trên các vách núi đá vôi, đã tồn tại gần 1.000 năm theo thời gian, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 2014. Hang mộ Tạng Mè còn dấu ấn của hình thức “động táng” cổ xưa, có giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, nhân chủng học của người cổ đang được tiếp tục nghiên cứu và bảo tồn làm phong phú thêm nền văn hóa truyền thống bản địa…
Vài năm trở lại đây, Dự án Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua du lịch cộng đồng do Chính phủ Ô-xtrây-li-a tài trợ thông qua dự án GREAT, được tổ chức Action on Poverty (AOP) thực hiện đã triển khai hiệu quả tại huyện Vân Hồ. Tính đến cuối năm 2020, dự án đã và đang hỗ trợ cải thiện, phát triển kinh tế, nâng cao vị thế của người phụ nữ địa phương, khuyến khích người dân tham gia vào chuỗi du lịch cộng đồng. Tại hai huyện Vân Hồ và Mộc Châu của tỉnh Sơn La, số người hưởng lợi là 771 người, trong đó có 453 là nữ, chiếm 58,75%. Có 34 tổ nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng được thành lập, 18 trong số 34 tổ nhóm này do phụ nữ lãnh đạo, chiếm 52,94%; 23 điểm lưu trú nhà dân (homestay) được cải tạo phù hợp, đạt chất lượng và đã đưa vào vận hành.
Huyện Vân Hồ mới thành lập được tám năm, trải qua nhiều khó khăn, nhưng bước đầu địa phương đã có nhiều nỗ lực để hội nhập, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế du lịch. Từ năm 2016 đến nay, huyện xác định quy hoạch là vấn đề mang tính quyết định tới định hướng phát triển lâu dài, trong đó có du lịch. Các khu trồng trọt, chăn nuôi trang trại, chế biến sản xuất, thương mại dịch vụ… được quy hoạch khá bài bản, đồng bộ và có tầm nhìn. Ðây là điều kiện thuận lợi để người dân tự tin thử sức các loại hình kinh doanh du lịch.
Bên cạnh kết quả đạt được, du lịch cộng đồng tại huyện Vân Hồ vẫn còn những khó khăn. Cụ thể, tính liên kết với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; chưa thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư cho dịch vụ lữ hành; việc bảo tồn, khôi phục nghề truyền thống chưa được quan tâm đúng mức; khâu quảng bá, xúc tiến và liên kết du lịch còn bị động… Hy vọng, trong tương lai, địa phương tiếp tục có chiến lược chi tiết, hiệu quả hơn để phát huy hết tiềm năng sẵn có.
Trong cuộc trò chuyện giữa mùa xuân, trước những thách thức mới, các bậc bô lão ở từng bản làng của Vân Hồ trầm ngâm lắng nghe nguyện vọng của thế hệ con cháu và bằng những câu ca, điệu hát, thành ngữ cổ, họ khuyên nhủ bản làng bài học về sức sống mãnh liệt và sinh sôi đến tận cùng: “Dom pá bạy lùn lăng chắng má/ Bạy hớ nặm chú bó láy lông/ Phớ chứ đáy khoàm nặn mằn chắng pên cun” (tạm dịch: “Giữ rừng cho muôn đời phát triển/ Ðể cho muôn mó nước tuôn trào/ Ai nhớ được câu ấy thì thành người”). Trong chính mầu hoa trắng ngần của mận, hồng phai của đào cũng chứa đựng sự mong manh, thuần khiết mà bền bỉ, âm thầm như ý chí, niềm tin của con người. Ðó cũng là màu của mây trời và sương khói bao la.
Ý kiến bạn đọc