Vân Hồ nằm ở phía đông, có tiềm năng và thế mạnh là các đặc trưng văn hóa dân tộc thiểu số: Thái, Mông, Dao, Mường; hệ thống cảnh quan rừng núi, suối nước khoáng, cảnh quan sông Đà... đây chính là điều kiện thuận lợi để khai thác các loại hình du lịch chính như: du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng,du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch trên sông.
Trước mắt, du lịch cộng đồng có thể đem lại lợi thế cho Vân Hồ: Một số bản của Xã Chiềng Yên đã được đầu tư định hướng và đón khách du lịch trong nước, quốc tế vài năm nay. Khu vực bản Phụ Mẫu I, II, bản Nà Bai có cảnh quan đẹp, có thác nước, hang động, suối nước khoáng, dân tộc Thái, Mường có những nét văn hóa truyền thống được du khách ưa thích.
Khu vực dọc quốc lộ 6 thuộc xã Lóng Luông lại thu hút khách du lịch vào mùa hoa với những thung lũng đào, mận đẹp nên thơ và sắc phục độc đáo. Lễ hội truyền thống: Tết Mông và lễ hội Nào Sồng là sản phẩm du lịch văn hóa của người Mông ở Vân Hồ.
Khu vực Suối Bàng, trong tương lai không xa sẽ trở thành điểm thu hút khách du lịch ưa mạo hiểm, khám phá trong các chuyến phiêu lưu tìm hiểu hang ma và tục chôn cất người chết trên núi cao từ xa xưa. Dọc theo Sông Đà, xã Quang Minh có thể liên kết với khu vực Đà Bắc của Hòa Bình để làm du lịch tâm linh tại đền thờ Hang Miếng và đền chúa Thác Bờ (hai ngôi đền thờ 2 phần xác của bà Chúa). Cũng trên sông Đà, có thể khai thác làm du lịch trên sông: đi chợ sông, trải nghiệm cuộc sống sông nước, thăm đập thủy điện…
Về lâu dài, khi Khu du lịch quốc gia Mộc Châu được công nhận, với lợi thế của mình, Vân Hồ sẽ trở thành địa điểm du lịch thu hút đông đảo du khách.