Nhiều tiềm năng chờ đánh thứcTại buổi tọa đàm và công bố thông tin về tiềm năng, cơ hội đầu tư vào tỉnh Sơn La và Khu du lịch quốc gia Mộc Châu do UBND tỉnh Sơn La phối hợp với BIDV tổ chức ngày 16/12 tại Hà Nội, ông Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết: Mộc Châu là khu vực có điều kiện tự nhiên lý tưởng, hiện nay tương đối hoang sơ, nên tiềm năng về du lịch là rất lớn.
Trao đổi với PV Báo Điện tử Chính phủ, ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Sơn La cho biết, khách du lịch đến Mộc Châu tuy khá đông, nhưng thời gian lưu trú cũng như mức chi tiêu tương đối thấp.
Địa phương này đã có một “cú hích” quan trọng là ngày 12/11/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2050/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Mộc Châu tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Mục tiêu phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) Mộc Châu là trở thành khu vực động lực phát triển du lịch của tỉnh Sơn La và của vùng du lịch Trung du miền núi Bắc Bộ với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao gắn với cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc.
Quy hoạch cũng đưa ra các định hướng phát triển chủ yếu gồm: Phát triển thị trường khách du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, hình thành các trung tâm phát triển du lịch, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đầu tư phát triển du lịch…
Về giải pháp thực hiện, Quy hoạch nêu rõ cần: Hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển; tăng cường tuyên truyền, xúc tiến quảng bá…
Ông Trương Sỹ Vinh cho biết: Đáng chú ý, Quy hoạch này là mở trong quá trình triển khai, có thể điều chỉnh danh mục dự án phù hợp để tăng hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, việc triển khai cần đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch kinh tế, gắn liền với giữ gìn các di sản văn hóa mới đảm bảo thu hút khách du lịch lâu dài.
Đại diện địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh cho biết: Việc phát triển thành công Khu DLQG đầu tiên này không chỉ có tác động tại địa phương, mà có thể góp phần tăng động lực khu vực Tây Bắc. UBND tỉnh Sơn La dự kiến tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch này vào cuối tháng 1/2015.
Cần nhiều dự án đầu tư khả thi và nỗ lực từ nhiều phíaTheo ông Cầm Ngọc Minh, để thực hiện Quy hoạch, tỉnh Sơn La đã bước đầu xây dựng được một số cơ chế chính sách thu hút đầu tư đặc thù như: Phấn đấu thực hiện các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư ở mức tối đa theo các quy định của Nhà nước; Ban hành một số chính sách hỗ trợ đầu tư như: Chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc, chính sách phát triển cây cao su, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015-2020...
Bên cạnh việc ban hành các chính sách, tỉnh Sơn La chú trọng việc hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án; thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp và kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư…
Năm 2013, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Sơn La tương đối thấp, do đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh khẳng định: Sơn La rất quyết tâm lấy năm 2015 là thời điểm đột phá nâng cao PCI. Trong đó việc đầu tiên là rà soát kiểm tra lại toàn bộ thủ tục hành chính, tăng cường công khai, nâng cao trình độ cán bộ, công chức thực thi công vụ.
Lãnh đạo địa phương đã tích cực cải thiện đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư ngắn hơn với thời gian quy định. Đặc biệt với một số thủ tục cần lấy xác nhận của các bên liên quan đều được đặt thời gian đến hạn bắt buộc phải hoàn thành.
Hy vọng với việc Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp được ban hành sẽ giúp hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư nói chung và của địa phương nói riêng.
Về phía ngân hàng, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng, tỉnh Sơn La cần sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư các lĩnh vực nhằm gia tăng nhanh tỷ trọng các lĩnh vực thế mạnh trong GDP và hạn chế các dự án phát triển kinh tế nhưng có thể tàn phá cảnh quan, môi trường. Các lĩnh vực mũi nhọn cần kêu gọi đầu tư là: Đầu tư cho ngành du lịch, thương mại, dịch vụ; tăng cường đầu tư cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng; đầu tư cho các ngành nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, sản xuất…
Trên cơ sở các tiềm năng sẵn có, tỉnh Sơn La đã đưa ra danh mục 21 dự án trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược, có tác động mạnh đến các lĩnh vực ngành nghề, vùng và có tính khả thi, đảm bảo không ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, di sản thiên nhiên để kêu gọi đầu tư trong năm 2014-2015. Trong đó, tập trung vào 4 lĩnh vực là du lịch, thương mại, dịch vụ (7 dự án); nông lâm nghiệp (8 dự án); công nghiệp chế biến, sản xuất (5 dự án); xây dựng (1 dự án).
Đại diện BIDV cũng đề nghị, trên cơ sở danh sách, thông tin các dự án tiêu biểu do UBND tỉnh Sơn La cung cấp, các nhà đầu tư sẽ nghiên cứu và đề xuất những ý định đầu tư hiệu quả nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Sơn La.
Huy Thắng - VGT