Hang Tạng Mè là một mái đá lớn, cao khoảng 12 m, rộng 17 m, sâu 16 m, cách bản Nà Lồi khoảng 2,5 km về phía đông. Hang được phát hiện bên trong gồm 30 mộ được táng quan tài làm bằng gỗ (đinh thối – một loại gỗ tốt, không mối mọt, chịu được mưa nắng). Kết quả nghiên cứu phân tích các-bon C-14 thì những mộ này có niên đại di cốt cách đây 1240 năm.
Trong khu vực hang mộ Tạng Mè còn có hang Nà Lồi, chứa 36 mộ gỗ, hang Khoang Tuống chứa 7 mộ gỗ. Các quan tài mộ gỗ đều được bổ đôi, bên trong khoét lòng máng, hai đầu chế tác mấu chốt hình “đầu thuyền đuôi én”. Một số quan tài trong hang còn có hình răng cưa (sóng nước). Khu vực các hang mộ táng gỗ được bao bọc bởi dãy núi đá vôi hiểm trở thuộc xã Suối Bàng, với nhiều suối nhỏ, rừng rậm nằm ngay sát bờ con sông Đà.
Qua nghiên cứu, lối mộ táng trong thân gỗ, là một phong tục của tộc người cổ xuất phát từ điều kiện tự nhiên và mong muốn chết được an toàn, siêu thoát. Khu di tích hang mộ Tạng Mè có giá trị lịch sử văn hóa tín ngưỡng và tư liệu về nhân chủng học của tộc người cổ đang cần tiếp tục được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng.

Mộ táng trong hang Tạng Mè.
Đặc biệt, khu di tích hang mộ này nằm trong quần thể di tích lịch sử thời kỳ chống Pháp của tỉnh Sơn La, từ năm 1947 đến 1952. Hai khu di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn và ý nghĩa.
Tại lễ trao Bằng công nhận di tích cấp Quốc gia, phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Sơn La yêu cầu các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý, khai thác và bảo vệ di tích. Đồng thời, tuyên truyền cho nhân dân giữ gìn, bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc của quê hương.