Tiến sĩ - Kiến trúc sư Dương Đình Hiển, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch phân tích: “Du lịch đúng nghĩa phải được hiểu là trực tiếp tham gia vào đời sống hàng ngày nơi mình đến, theo cách của người địa phương, trong cái thường nhật không bày biện vẽ vời, với những con người, những cảnh vật như vốn có. Người dân vừa là chủ nhà, là người hướng dẫn, người tiếp chuyện, người chia sẻ kinh nghiệm sống, người tiếp nối và thể hiện một cách sinh động các giá trị di sản văn hóa...”.
Là huyện mới được thành lập (tách ra từ huyện Mộc Châu năm 2013), điều kiện về cơ sở vật chất của Vân Hồ còn thiếu thốn, bù lại Vân Hồ lại đang sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, hoang sơ, ít được khai thác thì việc phát triển du lịch cộng đồng ở Vân Hồ cần được xác định như một định hướng chiến lược. Điều này còn tạo nên sự đa dạng, phong phú về các loại hình và sản phẩm du lịch để thu hút du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài vốn thích sự khám phá và trải nghiệm.
Chúng tôi đến thăm và tìm hiểu mô hình du lịch cộng đồng của gia đình anh Tráng A Chu, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ. Trong diện tích khuôn viên của gia đình, với niềm say mê làm du lịch, A Chu mua một ngôi nhà sàn gỗ của dân tộc Thái dựng lên, trang trí thêm các dụng cụ lao động truyền thống của dân tộc Mông. Sau khi hoàn thành dựng nhà vào tháng 8-2014, A Chu “bước chân” vào ngành du lịch khi phối hợp cùng với Công ty CBT Travel tổ chức các tour du lịch cộng đồng ở khu vực bản Hua Tạt. A Chu tâm sự: Trung bình mỗi tháng có khoảng gần 300 khách, giá mỗi khách du lịch được tính như sau: Tiền ngủ 50.000 đồng/ngày; tiền ăn tùy theo nhu cầu đặt nhưng giao động khoảng 130.000 -150.000/ngày; ăn sáng buffe 50.000 đồng/bữa.
Hôm chúng tôi đến, nhà A Chu đang đón 24 khách du lịch theo tour du lịch cộng đồng của Công ty CBT Travel. Tìm hiểu được biết, đây là những lưu học sinh đang du học ở nước ngoài, hoặc những học sinh trong nước đang có ý định đi du học ở nước ngoài. Đoàn khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian 4 ngày sẽ tham quan 1 số điểm du lịch ở phía Bắc và bản Hua Tạt, xã Vân Hồ là điểm đến cuối cùng. Vừa xuống xe các nhóm trong đoàn đều rất phấn khởi chia nhóm tập các bài hát để chuẩn bị cho buổi tối Gala chia tay ngay tại sân đá bóng của bản Hua Tạt. Anh Đặng Đình Sỹ, hướng dẫn viên của Công ty CBT Travel cho biết: Theo đánh giá, tour du lịch ở Vân Hồ có một nét khác biệt rất lớn và được đánh giá cao, đó là để người bản địa đứng ra làm du lịch; sẽ giữ được nét độc đáo, gần gũi mà những nơi du lịch cộng đồng khác (do các công ty, doanh nghiệp đứng ra làm) không có được. Bên cạnh đó là không gian, địa lý ở đây vẫn còn rất hoang sơ để du khách được trải nghiệm cuộc sống của núi rừng Tây Bắc. Em Lê Thu Uyên, du khách đến từ Vũng Tàu, đang chuẩn bị đi du học ở Mỹ chia sẻ: Qua trải nghiệm du lịch ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, em mới cảm nhận được thực tế cuộc sống của người dân tộc Mông vùng Tây Bắc, những điều mà trước kia em chỉ được học qua sách vở. Trải nghiệm giúp em có thêm kiến thức hiểu biết mà còn thêm tình yêu đối với đất nước, thiên nhiên và con người Việt Nam.
Được đánh giá là một trong những mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu ở Vân Hồ, nhưng qua tìm hiểu thì mô hình của A Chu vẫn đang còn nhiều việc phải tiếp tục giải quyết; các hoạt động du lịch trải nghiệm ở Hua Tạt còn đơn điệu, du khách chủ yếu là tham quan lối sống, phong tục, cảm nhận ẩm thực... mà chưa có sự khám phá, cùng tham gia trải nghiệm vào cuộc sống của đồng bào. Nhiều gia đình trong bản Hua Tạt muốn tham gia làm du lịch cộng đồng nhưng lại không có vốn đầu tư, mong muốn được vay vốn hỗ trợ từ Nhà nước.
Chia tay Hua Tạt, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu thực trạng du lịch ở Vân Hồ qua xã Chiềng Yên, xã được quy hoạch làm du lịch cộng đồng. Chiềng Yên có diện tích tự nhiên trên 9.000 ha, dân số gần 4.000 người với 3 dân tộc Thái, Mường, Dao sinh sống. Chiềng Yên cách Hà Nội khoảng 140 km, cách bản Lác, khu du lịch Mai Châu, Hòa Bình 35 km. Chiềng Yên có khung cảnh núi rừng thanh bình với những nếp nhà sàn lưng chừng đèo rất thơ mộng, phía dưới là thung lũng rộng trải dài tít tắp. Chiềng Yên có suối cá bản Bướt, đó là một nhánh suối dài hơn 3 km với trên 100 loài cá khác nhau được phát triển tự nhiên; có mó nước nóng chìm khuất trong không gian tuyệt đẹp của núi rừng ở bản Phụ Mẫu 2 hay Thác Tạt Nàng với độ cao trên 100m ở bản Phụ Mẫu 1...Tuy nhiên, từ rất lâu rồi, các điểm du lịch ở Chiềng Yên đều có rất ít khách, thu nhập từ việc tổ chức du lịch cộng đồng rất thấp, gần như không có. Đồng chí Bàn Thế Hợp, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Yên, cho biết: Ở các bản Nà Bai, Phụ Mẫu 1-2, bản Bướt... mỗi bản đều có 4 hộ đăng ký làm du lịch cộng đồng, mỗi bản cũng có đội văn nghệ riêng, đội nấu ăn riêng để phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, khách du lịch đến với Chiềng Yên ít, mỗi tuần chỉ có khoảng 3 xe ô tô vào thăm quan nhưng khách không nghỉ lại do các điểm du lịch cộng đồng chưa đáp ứng được một số yêu cầu, tiêu chuẩn của các công ty lữ hành, nhất là vệ sinh môi trường. Do vậy, từ việc ít khách nghỉ lại, nhiều gia đình không còn mặn mà làm du lịch, không có sự đầu tư nên cơ sở vật chất lại càng xuống cấp.
Từ câu chuyện kinh doanh du lịch của A Chu ở bản Hua Tạt và những hạn chế về du lịch cộng đồng ở xã Chiềng Yên đang đặt ra những vấn đề cần quan tâm trong việc phát triển du lịch cộng đồng. Trước hết huyện Vân Hồ cần quan tâm đầu tư đến Chiềng Yên, khu vực được đánh giá là tiềm năng, nhiều lợi thế về du lịch nhưng người dân không có kinh phí đầu tư cho du lịch, chưa được tập huấn kỹ năng làm du lịch... nên trong thời gian dài, không thu hút được các công ty lữ hành, du khách đến tham quan nghỉ dưỡng.
Ý kiến bạn đọc