Mộc Châu, Vân Hồ nổi tiếng với những đồi chè xanh, vườn đào vườn mận trĩu quả, nay lại níu chân du khách bằng cảnh sắc tuyệt vời của Thác Nàng Tiên ở xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ.
Khách đến Khu du lịch quốc gia Mộc Châu quen thuộc với thác Dải Yếm, Chiềng Khoa, nhưng thông tin về thác Nàng Tiên còn ít ỏi vì chưa có nhiều hoạt động du lịch, cộng thêm hạn chế di chuyển giữa đại dịch Covid-19. Đầu năm 2020 thác Nàng Tiên chính thức được đưa vào hoạt động du lịch, gần đây lối đi lên tầng thứ ba của thác cũng mới được khai thông.
Du khách vào thác Nàng Tiên. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Nhắc đến thác Nàng Tiên, người Thái thường kể cho nhau nghe về câu chuyện hai thiếu nữ xinh đẹp Khăm Khe và Khăm Kiêu có cha mẹ là những người Thái trắng đầu tiên di cư từ Đà Bắc (Hòa Bình), về khai hoang ở Chiềng Khoa. Họ đặt tên cho vùng đất mới là Mường Mây vì khí hậu thường xuyên có sương mù.
Dân cư muôn nơi dần dần đổ về lập làng, hai nàng Khăm Khe và Khăm Kiêu dạy họ cách làm ruộng, dựng nhà, múa xòe, các điệu khèn, điệu pí... Người dân cảm phục tài đức của hai nàng mà tôn thành tiên và gọi là Nàng Bẳng, Nàng Mương.
Dân trong vùng về sau lập đền thờ, tên gọi đền Nàng Bẳng - Nàng Mương, hay đền bà Chúa Sơn Lâm. Mỗi năm vào mùa hoa ban tháng 3, người dân lại đến thắp hương, cầu an và mong cho một mùa vụ thuận hòa. Theo thông lệ năm lẻ, người dân cúng con vật 2 chân, năm chẵn cúng con vật 4 chân, và 5 năm một lần lại làm một lễ lớn, mời bản trên, mường dưới về dự.
Ngoài ra, tháng 3 cũng là thời điểm tổ chức lễ hội hoa ban ở Chiềng Khoa, với ý nghĩa thỉnh bái nàng Ban - đại diện cho sự trong trắng, tình yêu thủy chung của người Thái. Đây còn là dịp cúng Then (trời), ước mong mùa màng bội thu và được bảo trợ khỏi sự quấy nhiễu của Phi (ma).
>>> ĐỌC NGAY: DU LỊCH VÂN HỒ TỪ A-Z
Check-in trên bè tre thác Nàng Tiên. Ảnh: Lê Đức Đại
Thác Nàng Tiên gồm 3 tầng, mỗi tầng một vẻ đặc trưng riêng. Cảnh sắc tầng một hiền hòa, với một hồ nước sâu ngang hông người lớn, khách có thể xuống tắm được. Lên tầng thác thứ hai, khách phải men ngược dòng nước, tuy hơi khó đi, nhưng thành quả sẽ là những bức ảnh độc đáo bên phông nền là thác đổ xuống hồ nước xanh như ngọc. Độ sâu của hồ nước tầng hai và ba khá lớn, mặt đá cũng nhiều rêu bám, dễ trượt ngã nên du khách phải vô cùng cẩn thận khi di chuyển. Độ cao ước tính từ chân thác đến tầng thác ba khoảng 150 m.
Là ngọn thác đẹp và ít người biết, Nàng Tiên nằm ở vùng rừng núi vẫn tiềm tàng hiểm nguy, nhất là khu vực chân thác, nơi thường có xoáy nước và các khe đá ngầm. Nơi an toàn có thể tắm được là dòng suối nhỏ ngay lối vào thác. Hiện đã có những lán trại được ban quản lý dựng lên để du khách nghỉ chân, tổ chức tiệc nướng BBQ, ăn uống, đốt lửa trại. Nếu muốn, du khách có thể giao lưu với đồng bào địa phương, nghỉ qua đêm tại homestay gần thác.
Mùa đẹp nhất để ghé thăm thác Nàng Tiên là từ tháng 3 đến tháng 5, khi tiết trời giao mùa từ xuân sang hè. Giá vé vào thác Nàng Tiên là 20.000 đồng/người. Phí gửi xe máy là 5.000 đồng/xe, vé ôtô là 20.000 đồng/xe. Ngoài tham quan, ngắm cảnh, khách có thể chụp ảnh check-in cùng bè gỗ tại tầng ba, giá thuê bè 10.000 đồng/người. Homestay ở đây cung cấp dịch vụ phòng tập thể giá 120.000 -150.000 đồng/đêm. Để đặt dịch vụ như lửa trại, thuê phục trang chụp ảnh, thuê lán nghỉ chân... du khách trao đổi với đội quản lý để được hỗ trợ.
Từ trung tâm huyện Vân Hồ, du khách đi xuống xã Chiềng Khoa, đến lối rẽ có biển đề Thác Nàng Tiên 2 km thì đi rẽ phải và tiếp tục đi thẳng là tới nơi. Cũng theo lối này đi tiếp 2 km sẽ tới thác Chiềng Khoa.
Trước đây, đến thác Nàng Tiên chỉ có đường đất dân tự mở men theo ống nước của đập thủy điện khá khó đi. Hiện nay du khách có thể đi ôtô vào tận bãi đỗ. Tuy nhiên, cần lưu ý đoạn đường 500 m cuối cùng vào bãi đỗ có nhiều đá sỏi, yêu cầu tay lái vững, động cơ khỏe với xe máy và xe 2 cầu gầm cao với ôtô.
Ý kiến bạn đọc