Người xưa có câu “Chè Tô Múa, lúa Tú Nang” ý muốn quảng bá, giới thiệu về 2 đặc sản nức tiếng của vùng Châu Mộc xưa. Ngày nay, sau hàng trăm năm xã Tô Múa vẫn được biết đến với những đồi chè xanh trải dài khắp các nương đồi. Đặc biệt hơn, ẩn mình dưới tán rừng già, hàng nghìn cây chè cổ thụ với tuổi đời lên đến hàng trăm tuổi vẫn vươn mình đón nhận những “tinh túy” của trời đất, tạo ra búp chè xanh non, mang hương vị đặc trưng, riêng có. Trải qua thời gian, dưới sự chăm sóc và bảo vệ của người dân nơi đây, vùng chè cổ thụ này đã trở thành một trong những điểm đến khám phá, trải nghiệm đầy thú vị và hấp dẫn đối với du khách khi đến với huyện Vân Hồ.
Toàn xã Tô Múa hiện có trên 400ha chè, được trồng trải dài trên những sườn núi hay triền đồi. Qua rà soát, thống kê, trong số tổng diện tích chè của xã có trên 2.100 gốc chè cổ thụ, tập trung tại 5 bản Khảm, Pàn Ngùa, Suối Liếm, Lắc Mường và Cho Đáy. Đây được xem là tài sản thừa kế và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tiếp nối chăm sóc và bảo vệ.
Chè cổ thụ Tô Múa là giống chè Shan tuyết, có búp to màu trắng xám, dưới lá chè phủ 1 lớp lông tơ mịn, trắng với mùi thơm dịu, nước vàng sánh màu mật ong. Những cây chè cổ thụ ở đây có độ cao từ 2 - 3m, gốc to, cành cây chắc khỏe, khi thu hái người dân phải trèo hẳn lên cây.
Sinh trưởng và phát triển ở độ cao từ 1.000 - 1.200m so với mực nước biển, cộng thêm việc chênh lệch lớn về nhiệt độ giữa ngày và đêm, được bao quanh bởi những tán rừng già, chất lượng chè cổ thụ Tô Múa được đánh giá là tốt hơn so với các vùng trong tỉnh còn lưu giữ giống chè này. Trước đây, chè cổ thụ được người dân hái về, vò, sao và ủ hoàn toàn thủ công, nên cánh chè nhỏ và lớp lông tơ mịn cánh trắng, chủ yếu được dùng trong gia đình và làm quà biếu cho khách quý.
Năm 2022, qua nghiên cứu và khảo nghiệm, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận 100 cây chè Shan tuyết tại bản Pàn Ngùa, Cho Đáy của xã Tô Múa là Cây di sản Việt Nam. Đây là niềm vui lớn không chỉ với người dân nơi đây, mà đây còn là minh chứng cho sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật Việt Nam nói chung và nguồn gen tiêu biểu của giống chè cổ thụ Tô Múa nói riêng.
Hiện nay, cùng với sự hướng dẫn của phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện, người dân Tô Múa đang tiếp tục nỗ lực chăm sóc, bảo vệ những cây chè cổ thụ này để có thể sản xuất, chế biến thành sản phẩm OCOP của địa phương. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành khu quần thể chè, hướng tới xây dựng điểm du lịch mới để giới thiệu cho du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, thưởng thức sản phẩm đặc trưng của vùng chè cổ thụ này.