Lóng Luông giữ gìn, phát triển nghề làm trang phục truyền thống

Thứ hai - 20/02/2023 20:00 386 0
Những năm gần đầy, nghề may, thêu thổ cẩm dân tộc Mông xã Lóng Luông có nhiều khởi sắc. Nhiều cửa hàng chuyên may, đo, kinh doanh thổ cẩm được mở ra nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân cũng đồng thời thu hút đông đảo giới trẻ quan tâm, học hỏi theo nghề. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mà còn giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định.
Phụ nữ Mông may trang phục truyền thống
Phụ nữ Mông may trang phục truyền thống

           Lóng Luông là địa phương cửa ngõ của huyện Vân Hồ và tỉnh Sơn La với gần 1.400 hộ, trên 7.000 nhân khẩu. Trên địa bàn có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống là Thái, Dao, Kinh, Mông, trong đó đồng bảo dân tộc Mông chiếm gần 90% với hai dòng chính là Mông Đu và Mông Lềnh. Những năm trước đây, nghề dệt, may thổ cẩm của đồng bảo dân tộc Mông vẫn được duy trì để phục vụ nhu cầu sử dụng của các hộ gia đình. Mỗi bộ trang phục được người phụ nữ Mông tỉ mỉ thêu tay nhiều chi tiết và chỉ hoàn thành được từ 1-2 bộ quần, áo mới cho các thành viên trong gia đình vào những dịp lễ, tết quan trọng.

           Với mong muốn lưu giữ nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Mông thông qua việc phát triển nghề dệt, may thổ cẩm và làm trang phục truyền thống, Cấp ủy, Chính quyền tỉnh, huyện, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ đồng bào dân tộc Mông bên cạnh việc giữ gìn nghề trồng lanh, dệt vải, nhuộm chàm;… may trang phục truyền thống để sử dụng trong gia đình, quan tâm đầu tư cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất đưa trang phục ra thị trường, buôn bán thương mại gắn với quảng bá nét đẹp, tính độc đáo của trang phục truyền thống tới du khách trong và ngoài tỉnh thông qua các hoạt động văn hóa như “Ngày hội Hoa Đào”, Tết độc lập 2/9;…

          Đồng chí Tếnh A Chìa, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Luông thông tin: Đối với trang phục của đồng bào dân tộc Mông Lóng Luông từ trước đến giờ và trong những năm gần đây được bà còn giữ gìn và bảo tồn rất là tốt. Đặc biệt trong những ngày lễ, ngày tết của đồng bảo không thể thiếu được những bộ trang phục của người Mông ở đây. Đặc biệt là những năm gần đây khách du lịch đến đại bàn rất thích những bộ trang phục của đồng bảo dân tộc Mông ở đây, bởi vì những bộ trang phục đồng bảo dân tộc Mông ở đây rất là đẹp, có hoa văn, màu sắc rất là đẹp nên là được du khách rất là thích, đặc biệt là trong những ngày đầu xuân như thế này. Đối với Long Luông có rất nhiều vườn hoa mận, hoa đào, hoa tam giác mạch, khi khách đến địa bàn cũng rất thích mặc những trang phục của đồng bào dân tộc Mông chụp ảnh để làm lưu niệm tại những vườn mận, vườn đào. Để giữ gìn trang phục của người Mông những năm gần đây xã cũng có những định hướng để cho bà con tiếp tục thuê may những bộ quần áo đấy để phục vụ cho khách du lịch. Không chỉ phục vụ trên địa bàn xã còn cung cấp cho những điểm du lịch đông khách của Mộc Châu, của Vân Hồ.

           Tới thăm cửa hàng của chị Hàng Thị Nông, bản Săng Cài, xã Lóng Luông, một trong những cơ sở đang sản xuất, kinh doanh hàng thổ cẩm, trang phục truyền thống của đồng bảo dân tộc Mông trên địa bàn. Những bộ trang phục váy, áo Mông nhiều màu sắc, kiểu dáng được treo khắp các kệ, tiện cho khách hàng lựa chọn tìm mua. Bên chiếc máy may, chị Nông đang cùng các thành viên trong gia đình hối hả hoàn thiện các đơn hàng để trả cho bà con và khách đặt. Chia sẻ với chúng tôi chị Nông cho biết: Với niềm đam mê thổ cẩm, trang phục dân tộc Mông, ngay từ bé chị đã theo các bà, các mẹ học nghề làm trang phục. Lớn lên khi lập gia đình, với mong muốn truyền dạy nghề truyền thống cho các con và có thêm thu nhập cho gia đình, chị đã mày mò đi học các nơi, đến năm 2021 chị chính thức mở cửa hàng cho riêng mình. Lúc đầu chị chỉ may thuê cho bà con trong bản và vùng lân cận, lâu dần tay nghề trở nên thành thục, chị bắt đầu mở rộng sản xuất, mua sắm thêm máy may; liên hệ mua vải lanh từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và thuê thêm người có tay nghề khéo vẽ họa tiết bằng sáp ong, thêu các chi tiết cho váy, áo;…Đến nay, các sản phẩm của chị làm ra đã có mặt tại các huyện, tỉnh lân cận. Tiếng lành đồn xa, nhiều hộ kinh doanh của nước bạn Lào cũng đến tận nơi để tìm mua. Hiện, cửa hàng của chị Nông đang tạo việc làm thời vụ cho 5-6 lao động địa phương, trừ chi phí mỗi năm gia đình chị thu nhập từ 20-30 triệu đồng.

           Chị Hàng Thị Nông, bản Săng Cài, xã Lóng Luông chia sẻ: Tôi gắn bó với nghề này cũng gần chục năm rồi, thu nhập cũng khá, cũng đỡ vất vả hơn trước kia đi làm nương. May dân tộc này từ nhỏ chị đã yêu thích, đã có ước mơ rồi, lúc chị đang học chỉ bảo sau này chị phải biết may để cho dân để đỡ phải đi mua. Bây giờ chị may cho bà con dân bản xung quanh đây thôi, bây giờ bán cũng được khá, lúc có du khách, người này, người kia cũng cho thuê hết.

           Trang phục đẹp với nhiều kiểu dáng hiện đại, kết hợp màu sắc hài hoà là điểm nhấn giúp những chàng trai, cô gái Mông lộng lẫy hơn trong những Lễ hội hay phiên chợ xuân. Đó cũng là lý do khiến Tếnh Thị Ly ở bản Săng Cài, xã Lóng Luông yêu thích và tìm đến nghề may trang phục truyền thống. Mặc dù trẻ tuổi nhưng Ly luôn miệt mài học hỏi từ bà, mẹ và các chị của mình để hoàn thiện những bộ trang phục truyền thống. Không chỉ vậy, Ly còn lặn lội xuống thành phố Hà Nội để học thêm nghề may, giúp đường kim, mũi chỉ thêm tinh tế. Đến nay, ngoài việc tự may, thêu trang phục cho bản thân và gia đình, Ly còn nhận làm cho bà con lân cận. Tuy thu nhập từ nghề làm trang phục truyền thống còn ít, nhưng Ly cũng ấp ủ một ngày không xa em sẽ có một cửa hàng chuyên may, kinh doanh trang phục truyền thống của riêng mình.

         Em Tếnh Thị Ly, bản Săng Cài, xã Lóng Luông thông tin thêm: Bản thân tôi là một người đồng bảo dân tộc Mông, tôi được mẹ với bà dậy thuê thùa từ nhỏ, học thêu từ cái dễ nhất cho đến cái khó nhất. Bây giờ sắp đến mùa tết người Mông em phải có 1-2 bộ để đi chơi tết. Bây giờ thì mở rộng hơn, du khách vẫn cần nên giờ em mở thêm cho du khách thuê để đi chơi.

          Với việc khuyên khích và nhu cầu ngày càng tăng của thị trường đối với các sản phẩm truyền thống, đặc biệt là các trang phục thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông, đến nay, trên địa bàn xã Lóng Luông đã có gần 10 cửa hàng chuyên may, kinh doanh trang phục, trên 30 hộ chuyên sản xuất các sản phẩm chuyên dụng, đưa nghề làm, sản xuất trang phục truyền thống trở thành 1 ngành nghề mang lại thu nhập đáng kể cho bà con nơi đây. Để giữ gìn, phát triển nghề làm trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, thiết nghĩ thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền địa phương cần có những chủ trương, chính sách khuyến khích phù hợp, để ngày càng có nhiều hơn những người yêu nghề và đam mê văn hoá dân tộc như chị Nông và Ly. Điều này không chỉ góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mà còn đóng góp 1 gam màu sáng vào dòng chảy văn hóa hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc và đất nước, đưa ngành nghề thủ công truyền thống trở thành ngành nghề chính nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi rẻo cao Vân Hồ.

                                                                                                              

Phụ nữ dân tộc Mông giới thiệu về nghề làm trang phục truyền thống cho du khách
Phụ nữ dân tộc Mông giới thiệu về nghề may trang phục truyền thống cho du khách
trang phuc mong 2
Chị em phụ nữ Mông thêu hoạ tiết trên nền vải chàm

Nguồn tin: Thực hiện: Thanh Tùng (Trung tâm TTVH huyện Vân Hồ)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây