Ẩn mình sau những ruộng bậc thang lúa xanh mơn mởn đang thì con gái, thác Tạt Nàng quanh năm tung bọt trắng xóa, tưới mát cho ruộng đồng và cả tâm hồn người lữ khách phương xa. Dừng đỗ xe ở ngoài đường, du khách đi men theo hai lối nhỏ được bê tông hóa chừng 150 - 200m thì sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt và kỹ càng dòng thác hùng vĩ này.
Thác bắt nguồn từ hai dòng Suối Tà Xam và Suối Tà Piu, chảy từ bản Phụ Mẫu 2 dồn về bản Phụ Mẫu 1 tạo thành.
Thác nước cao hơn 100m, được phân thành 3 tầng, xung quanh cây cối xanh tốt, du khách sẽ được đắm mình vào bản hòa ca của tiếng thác đổ ầm ì với tiếng chim rừng reo ca, hòa mình với thiên nhiên hoang sơ và dòng nước mát lạnh; cùng lặng nghe người dân địa phương kể tích chuyện tình yêu cảm động của đôi trai gái dưới dòng thác.
Tên gọi thác Tạt Nang (Tát Nàng) được bắt nguồn từ câu chuyện thời lập bản lập mường. Ngày xưa, có cô gái, mẹ mất sớm, vì thương con người bố ở vậy nuôi con. Cô càng lớn càng xinh đẹp, ăn trầu nuốt từ cổ xuống nhìn thấy nước trầu màu đỏ đi qua cổ, nhiều chàng trai đem lòng yêu mến, đến hỏi làm vợ nhưng cô gái chỉ đem lòng yêu mến gửi trọn cho chàng trai, con của dòng họ có mối thù truyền kiếp với gia tộc cô, cha cô và cả gia tộc kiên quyết phản đối mối nhân duyên này.
Hai người không đến được với nhau, cô gái vui tươi ngày nào càng trở nên buồn rầu, lầm lũi, thân hình hao gầy. Một hôm, nhân lúc bố cô lên rừng đốn củi, người ta thấy cô gái mang đồ dệt thổ cẩm của mình để ở đỉnh “Tát Nặm” rồi gieo mình xuống dòng thác.
Tát Nang có từ đó, dịch theo tiếng Thái “Tát” là “thác”, “nang”là “Nàng tiên, người đẹp”. Ngày nay, nếu ai đó có duyên khi đến chân thác có thể sẽ nhìn thấy xa xa bóng dáng cô gái ngồi bên khung cửi, quay sợi phía sau dòng nước.
Bản Phụ Mẫu là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái, cái tên bản đã gợi nhắc cho ta một thứ tình cảm rất thiêng liêng. Theo người dân nơi đây, ngày xưa bản có ụ mối to, theo tiếng Thái gọi là “hang phổng púa”, sau đọc chệch đi thành Phụ Mẫu.
Cũng có người cho rằng ngày xưa bản nhỏ dần được mở rộng ra, sau lại chia tách gọi là bản bố, bản mẹ (Phụ Mẫu). Nơi đây nhiều thế hệ đã cùng nhau sinh sống chính vì thế những nét truyền thống vẫn còn được lưu truyền và giữ nguyên từ đời này sang đời khác.
Đến với bản Phụ Mẫu du khách sẽ được đi tham quan và chụp ảnh tại thác Tạt Nàng, tìm hiểu kiến trúc Nhà sàn, Trang phục truyền thống… và hòa mình vào với thiên nhiên, con người nơi đây. Sau hành trình dài di chuyển đến đây du khách cũng khá mệt mỏi nhưng chẳng phải lo lắng quá lâu, chỉ cần ngâm mình trong suối nước nóng dưới chân núi Bò Ui là mọi ưu phiền, stress sẽ tan biến hết.
Suối nước nóng Chiềng Yên có một điểm đặc biệt khác hẳn với các điểm suối nước nóng đã được quy hoạch dịch vụ thành khu, buồng tắm riêng có màn che. Đó là nước đầu nguồn từ trong núi chảy ra trong vắt, ấm nóng 35°-40°, được kè đá thành hai bể chứa diện tích hơn 50m².
Các chàng trai cô gái trong bản sẽ tắm cộng đồng, không có mành che chắn, các cô gái tắm phía trên, các chàng trai tắm ở phía dưới. Mó nước nóng này được cho là lời giải thích rõ ràng nhất tại sao những cô gái ở bản làng nơi đây có một làn da trắng như trứng gà bóc, mái tóc đen dài óng ả và dáng người cao ráo, thanh mảnh.