Phát huy lợi thế đó, huyện Vân Hồ đã có nhiều giải pháp quy hoạch cụ thể, đề ra hướng đi phù hợp, mang lại triển vọng để phát triển ngành du lịch của địa phương.
Một trong những lợi thế của Vân Hồ trong phát triển du lịch là yếu tố giao thông bởi huyện Vân Hồ là cửa ngõ của tỉnh nối khu vực Tây Bắc với thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ, có đường ô tô đi đến các xã và hệ thống giao thông đường thủy trên lòng hồ sông Đà. Vân Hồ có quốc lộ 6 đi qua, thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa và phục vụ tốt công tác du lịch. Đặc biệt, huyện nằm trong khu du lịch quốc gia Mộc Châu với những định hướng và chính sách ưu tiên phát triển du lịch đã tạo thêm điều kiện thuận lợi để Vân Hồ từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế du lịch.
Hiện tại, nhiều điểm du lịch tại Vân Hồ đã và đang khai thác, được nhiều du khách biết đến như: khu du lịch rừng thông, đồi chè, rừng Pa Cốp tại xã Vân Hồ; khu du lịch sinh thái Chiềng Yên; khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha; vùng hồ sông Đà; khu trồng các loại hoa quả địa phương... Tại các điểm du lịch, ngoài việc giữ gìn cảnh quan, người dân nơi đây còn được khuyến khích phát triển các loại nông sản đặc sản của địa phương, làm quà cho du khách và tạo thêm thu nhập như: mận hậu, đào, các loại chè, khoai sọ, rau sạch, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm.
Những di tích lịch sử, các hang động kỳ thú đã và đang được tôn tạo, bảo vệ và lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử, văn hóa các cấp. Trong đó, có hang mộ Tạng Mè (xã Suối Bàng) đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di tích cấp quốc gia; Khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh; Đền thờ chúa bà Hang Miếng (xã Quang Minh); thác Tạt Nàng (Chiềng Yên) được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh... góp phần giúp công tác quản lý, bảo tồn và đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, gìn giữ được những yếu tố mang giá trị lịch sử, văn hóa.
Cùng với những danh lam, thắng cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng, Vân Hồ là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em, mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong bức tranh văn hóa chung của vùng. Nhiều bản làng còn gìn giữ những nét văn hóa truyền thống từ nhà ở, trang phục đến đời sống sinh hoạt thường ngày. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng các bản du lịch cộng đồng, gắn với phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Cùng với đó, công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng được phát huy, đang hình thành và bước đầu đem lại hiệu quả như: bản Hua Tạt (xã Vân Hồ), bản Nà Bai, Phụ Mẫu (xã Chiềng Yên)...
Việc quy hoạch phát triển du lịch tại Vân Hồ đã và đang được huyện quan tâm, triển khai gắn với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa phục vụ cho ngành du lịch. Mục tiêu của Vân Hồ là hình thành nên 3 tuyến du lịch trong toàn huyện, giúp du khách khám phá từng vùng đất với những điểm đến hấp dẫn, những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc. Ưu tiên 5 dự án thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, 6 dự án phát triển du lịch và 19 dự án ưu tiên phát triển hạ tầng du lịch.
Với những định hướng cụ thể, quy hoạch chi tiết, du lịch Vân Hồ sẽ từng bước phát triển, thu hút du khách đến với vùng đất cửa ngõ của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện.
Tặng Đào - Báo Sơn La
Ý kiến bạn đọc