Tết ở bản Hua Tạt

Thứ ba - 24/01/2023 20:04 1.875 0
Khi hoa mận, hoa đào bừng nở ở bản Hua Tạt, cũng là lúc đồng bào dân tộc Mông ở đây ăn Tết. Trai gái xúng xính trong những bộ quần áo đẹp nhất, rực rỡ nhất hòa vào núi rừng mùa xuân.
Tết ở bản Hua Tạt

Nằm cách Thủ đô Hà Nội chừng 180km, bản Hua Tạt (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) là điểm du lịch cộng đồng khá nổi tiếng bởi cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ cùng với những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.

Chuyến đi của tôi đúng vào dịp cuối năm, cũng là thời điểm hoa đào, hoa mận rộn ràng khoe sắc khắp các triền đồi và quanh những ngôi nhà của bà con người Mông ở Hua Tạt. Với tôi, đó quả thực là một trải nghiệm vô cùng thú vị!

Thú vị hơn, tôi còn có dịp trò chuyện với anh Tráng A Chu, người Mông đi tiên phong trong phát triển du lịch cộng đồng tại bản Hua Tạt, góp phần đưa Hua Tạt trở thành điểm sáng du lịch của huyện Vân Hồ.

Tết ở bản Hua Tạt
Người Mông làm bánh dày ngày Tết. Ảnh: H.Phong

Tráng A Chu cũng chính là chủ nhân của A Chu Homestay - nơi có ngôi nhà sàn độc đáo với những vật liệu hết sức gần gũi như tre, nứa, thân cây khô… tạo cảm giác rất đỗi bình yên và mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Mông.

Trong cái lạnh se sắt, ngồi bên đống lửa bập bùng, trước ngôi nhà sàn của A Chu, chúng tôi được thưởng thức những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”, mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Mông, như múa khèn, thổi sáo, đàn môi... được biểu diễn bởi chính bà con ở bản Hua Tạt.

Đặc biệt, giữa cái lạnh tê tái của núi rừng Tây Bắc, chúng tôi còn được thưởng thức tiếng khèn trầm bổng của A Chu, những giai điệu vang lên lúc như lưu luyến gọi mời, lúc như réo rắt. A Chu khoe, Hua Tạt là bản thuần dân tộc Mông và cũng là một trong số ít bản làng trên cả nước còn lưu giữ được khá đầy đủ những phong tục của người Mông.

Một điều khá đặc biệt trong ngày Tết của người Mông đó là tục dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày, rồi xếp vào cạnh góc bàn thờ. Người Mông xem đây như một sự tri ân những công cụ sản xuất, bởi trong năm qua, những đồ vật này đã giúp họ làm nương, làm vườn để sản xuất lương thực, thực phẩm cho gia đình.

Trước khi đến Hua Tạt, tôi được nghe kể rằng người Mông có hai cái Tết quan trọng nhất là Tết độc lập cùng nhân dân cả nước diễn ra vào dịp 2/9 hàng năm và Tết truyền thống của đồng bào.

Tôi mang chuyện này hỏi A Chu, A Chu kể, Tết cổ truyền của người Mông diễn ra từ ngày 30/11 âm lịch hàng năm (trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng) và kéo dài trong suốt ba ngày. Đây là dịp để đồng bào Mông vui chơi, gặp gỡ nhau sau một năm lao động vất vả. Tết cổ truyền của người Mông ngày nay diễn ra ngắn gọn, văn minh chứ không còn tốn kém như trước.

Vào những ngày này, âm thanh phổ biến, quen thuộc mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận là tiếng chày giã bánh dày vang lên khắp nơi xen lẫn tiếng vui đùa, reo hò của trẻ em khi chơi các trò chơi truyền thống như tu lu (đánh cù), ném pao…

Công việc chuẩn bị được tất cả các thành viên trong gia đình san sẻ với nhau. Những người phụ nữ tranh thủ hoàn thiện những đường thêu, nút chỉ cuối cùng trên bộ váy, áo mới để cả nhà kịp diện Tết. Còn cánh đàn ông lại tất bật mổ gà, mổ lợn để chuẩn bị thực phẩm cho gia đình.

Đối với người Mông, trong mâm cỗ ngày Tết, ngoài các loại thịt, bánh dày là thực phẩm không thể thiếu. Tại bản Hua Tạt, không khí giã bánh dày sôi nổi, náo nhiệt như ngày hội lớn. Những người phụ nữ tất bật đồ chín gạo nếp nương - thành phần chính của bánh dày, còn những thanh niên trai tráng khỏe mạnh thay nhau cho xôi vào một máng gỗ rồi dùng chày giã nhuyễn.

Công việc này rất vất vả và tốn nhiều sức lực, nên giữa cái lạnh của mùa đông mà trên khuôn mặt chàng trai nào cũng đổ mồ hôi lấm tấm. Những hạt nếp đã được giã mịn và quyện vào nhau sẽ được gói lại bằng lá chuối theo hình tròn.Sau khi hoàn thành, người Mông bày 6 cặp bánh dày lên bàn thờ, tượng trưng cho 12 tháng trong một năm với ý nghĩ dâng lên trời đất và vị thần mùa màng.

Tết ở bản Hua Tạt

A Chu bảo, giống như bánh chưng của người Kinh, bánh dày là thứ bánh đặc trưng Tết của người Mông dùng để cúng tổ tiên và trời đất. Người Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất.

A Chu cũng kể, trước khi làm lễ cúng ngày Tết, chủ nhà sẽ cầm cành tre đi xua đuổi tà ma quanh nhà, xua đuổi những điều muộn phiền trong năm cũ để cầu mong một năm mới sẽ tốt đẹp hơn. Người Mông lấy 3 viên đá đem nướng lên than hồng rồi đặt trước cửa nhà, sau đó đổ nước lên. Những viên đá đang nóng gặp nước sẽ bốc hơi, đem theo tất cả muộn phiền của năm cũ bay đi.

Người Mông không đón giao thừa, họ quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng một mới là cái mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm. Bởi, họ quan niệm, con trai là trụ cột của gia đình nên tất cả mọi việc trong nhà phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.

Trong ngày đầu năm mới, đồng bào đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô, bánh dày. Người Mông rất mến khách, họ quan niệm nếu Tết có khách lạ đến chơi cả năm sẽ gặp may mắn. Vì vậy, khách đến nhà người Mông trong dịp Tết luôn được đón tiếp rất chu đáo, được mời ăn, mời rượu và mời ngủ tại nhà. Trước khi ra về, người Mông còn mừng tuổi cho khách những chiếc bánh dày do chính tay họ làm ra.

Tết cổ truyền của người Mông cũng là dịp để trẻ em vui chơi, người già gặp gỡ, ôn lại chuyện cũ, còn các đôi trai gái thì tâm sự, tìm hiểu rồi kết duyên với nhau. Bởi vậy, trong những ngày này ở các bản của người Mông đâu đâu cũng thấy các cô gái, chàng trai xúng xính trong những bộ váy áo rực rỡ sắc màu, tụ tập thành từng nhóm trò chuyện với nhau.

Trong bộ trang phục dân tộc nổi bật, các chàng trai thi nhau thổi khèn, tiếng khèn ai càng dài, càng réo rắt kết hợp với điệu nhảy càng dẻo sẽ được nhiều cô gái để ý. Nhiều đôi trai gái trong bản nên duyên vợ chồng cũng nhờ vào Tết cổ truyền và những trò chơi mang đậm bản sắc dân tộc này.

Từ những lời kể của A Chu về Tết cổ truyền của người Mông ở Hua Tạt khiến tôi càng thêm ấn tượng về rẻo đất vùng cao này. Chắc chắn tôi sẽ còn quay lại nơi đây, để lại được lắng nghe những tiếng khèn, điệu hát; những câu chuyện thú vị, thấm đẫm bản sắc văn hóa của người đồng bào,…


Hà Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây