Về Mường Tè, quăng chài bắt cá

Thứ bảy - 01/08/2015 11:17 3.183 0

Về Mường Tè, quăng chài bắt cá

Giữa hè, tiết trời Vân Hồ, Sơn La vẫn mát mẻ, chứ không oi bức ngột ngạt như ở dưới xuôi. Mấy anh bạn, ngồi uống trà bảo nhau: mùa này chẳng có gì chơi, như ở biển còn được tắm, được ăn hải sản, đồng rừng chẳng có tí giải trí nào mùa hè. Rồi một ý tưởng vụt lóe lên: chúng tôi về xã Mường Tè, Vân Hồ bắt cá suối.
Vượt những con đường quanh co uốn lượn, có lúc đi dưới thung lũng, có lúc lại vọt lên đỉnh đèo, xe như đi trong sương mây trắng bốp, gió mát rượi, thoang thoảng mùi của những triền ngô đang trổ cờ. Sau hơn 2 giờ đồng hồ, có mặt ở Mường Tè, chúng tôi ăn trưa với các món ăn đặc sản núi rừng: canh nhái nấu mẻ, nộm rau rừng, cá sông gói lá đồ… Ăn uống qua loa, sau giấc ngủ trưa chúng tôi đi dạo quanh bản và tiến dần ra bờ suối. 

Sau cơn mưa ban chiều, nước suối hơi đục, nhưng bà con địa phương nói, càng mưa to cá lại càng nhiều. Đoạn suối chúng tôi chọn để đánh cá khá rộng, hai bên là những ruộng lúa đang làm đòng xanh biếc. Nhóm khách du lịch chúng tôi đeo giỏ, xách túi chài như “dân chuyên nghiệp” và không quên đem theo máy ảnh để tác nghiệp. Đầu tiên là học…. lội suối, bởi những người lần đầu bước chân xuống suối, trước tiên phải biết cách bước chậm, dò dẫm để xem phía trước nông hay sâu, bùn hay sỏi rồi mới dồn cả  trọng tâm vào bước chân được. Học đứng vững và di chuyển thoải mái dưới suối rồi mới bắt đầu học quăng chài.

Với bà con địa phương, để bắt cá suối cũng có nhiều đồ dùng và cách thức, tùy mùa, tùy dòng suối nông hay sâu, nước chảy xiết hay không mà dùng đó, chài, vợt, hay thậm chí chặn dòng tát nước, hoặc dùng thuốc mê (loại thuốc dùng lá cơi và một số loại cây khác để làm cá say nổi lên rồi bắt). Quăng được chài ra rồi, kéo chài lên thế nào để cá khỏi lọt ra ngoài lại cũng phải học, chưa nói đến việc nhìn nước biết nông sâu, nhìn dòng chảy biết chỗ nào có nhiều cá. 

Nếu đứng trên bờ nhìn, chắc thấy việc mấy người đi dọc suối cầm chài quăng xuống suối rồi lại thu lên, nhặt cá bỏ vào giỏ là bình thường. Nhưng có xuống suối mới thấy cảm giác hào hứng, hy vọng khi quăng chài xuống, cái háo hức khi thu chài lên, và  sự rạng rỡ khi trong chài có vài ba con cá to cỡ ngón tay cái. Nó khiến chúng tôi quên cả sự mệt mỏi khi hàng tiếng đồng hồ dầm mình dưới nước, đi dọc suối, vài phút lại, ném cái chài nặng 3-7kg xuống nước và thu lên. Nó chắc cũng giống cảm giác của người thợ săn khi xưa cầm súng, cầm nỏ đi săn trên rừng.

Gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi trở về với 2kg cá suối gồm nhiều loại cá khác nhau trong đó, tôi biết có chạch, cá bống. Về đến nhà, cá to được đem kẹp que nướng, những con nhỏ cỡ ngón tay út bỏ nấu canh mẻ. Có vào bếp mới thấy rõ cái tài khéo của đồng bào Thái, đơn giản từ cách kẹp que tre nướng cá cũng đã đáng để học tập. Que tre cỡ 3 ngón tay được xẻ làm 3, để chừa chỗ cật tre không chẻ, cá kẹp vào 3 que tre, rồi chỉ cài một que ngang ở đầu còn lại, thế là chắc, khỏi cần buộc dây, mà tha hồ lật, không rơi được.

Bữa tối dọn ra với các món cá bắt được ban chiều cùng thịt lợn cắp nách, vịt xào măng chua, với rau vườn nhà, xôi tím và rượu. Rượu vui, ấm tình người bởi sự chân tình, gần gũi của gia chủ và những món ăn ngon, trong đó có thứ chính mình kiếm được.

Đêm ngủ ngon trong tiếng ru của lũ ếch ì oạp kêu ngoài vườn. Trong giấc mơ loáng thoáng thấy những làn mây chờn vờn đỉnh núi và những con cá trắng quẫy trong chài…
Ngô Thành Đạo - antđ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây