Nhớ tiếng sáo Mông trên bản Hua Tạt

Thứ ba - 10/02/2015 05:04 3.894 0
Hua Tạt (huyện Vân Hồ) là một bản người dân tộc H’Mông nằm ven quốc lộ 6, cách trung tâm huyện chừng 5km về phía Hà Nội. Bản nằm ở một thung lũng dài giữa hai đỉnh núi, Một bên là những triền đồi trồng ngô, mận, một bên là những đồi thông trải dài.
     Đứng trên triền dốc với những hàng thông reo vui trong gió, mới thấy không phí sức mình lặn lội từ miền Nam ra. Dõi mắt xuống phía dưới, thấy bản làng thơ mộng với những ngôi nhà trệt mái xám của người Mông lẩn trong mây, quanh đó những tán mận xòe ra nở hoa trắng xóa. 


 

          Ngẫu nhiên thôi, nhưng tôi đã có một chuyến đi may mắn khi gặp đúng dịp đồng bào ăn tết. Việc nương rẫy đã xong xuôi, mọi người mặc những bộ quần áo đẹp nhất, rực rỡ nhất do chính mình hoặc người thân tự tay may, thêu lấy để đi chơi tết. Theo con đường bê tông mới mở xuôi xuống bản Hua Tạt, trước mắt tôi hiện ra khung cảnh hết sức vui nhộn. Những cậu bé, những chàng thanh niên mới lớn đang chơi đánh cù, đá bóng trên sân vận động, cạnh đó những tốp khác cũng đang thổi khèn ở sân nhà văn hóa cuả bản. Phía bên trái nhà văn hóa, cây đào cổ thụ đang nở rực rỡ che rợp một khoảng hiên nhà, nơi đó một nhóm phụ nữ Mông mặc trang phục đỏ, cảm truyền thống đang ngồi thêu quần áo, các bé gái xúng xính trong những bộ váy cùng mũ đội đầu rực rỡ chạy chơi xung quanh mẹ và các chị, những chiếc vòng bạc lấp lánh reo leng keng theo từng bức chân tung tăng. 


Tiếng leng keng sôi nổi ấy còn cuốn theo chân các cô bé ra tận bãi ném pao hay ra cả những con đường quanh bản. Tất cả tạo nên một bức tranh sôi động, rực rỡ sắc màu. 
 



Thời gian gần đây, bản Hua Tạt  cũng bắt đầu làm dịch vụ du lịch, anh Trang A Chu là một người đi đầu trong việc giới thiệu và mời du khách về thăm quan bản. Mới tiếp xúc ít thôi, nhưng thấy anh cũng giống mọi người dân tộc Hmong khác, rất cởi mở, nhiệt thành và đặc biệt tôn trọng, tự hào và luôn muốn giữ gìn bản sắc dân tộc mình. Anh đưa tôi đi thăm bản và sau đó dùng bữa ngay tại nhà. Bữa cơm đầm ấm đặt ngay cạnh bếp lửa bập bùng giữa nhà. Trong không gian tĩnh mịch của núi rừng, tôi còn được thưởng thức tiếng sáo đặc biệt của A Chu, những giai điệu trầm bổng vàng lên lúc như lưu luyến gọi  mời, lúc như réo rắt, giục giã những bước chân vội vã xuống chợ phiên...


 
Tiếng sao A Chu quá tuyệt vời khiến tôi ngẩn ngơ, chẳng muốn ra về. Giờ các xa ngàn dặm viết lại câu chuyện ở Hua Tạt, bên tai tôi vẫn văng vẳng giai điệu sáo A Chu đã thổi...
 
Bài, ảnh: Cô Xuân - Long An

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây