Khèn trong đời sống tinh thần của người Mông Vân Hồ

Thứ năm - 24/08/2023 22:14 301 0
Là nơi hội tụ 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm gần 26%. Cùng với các dân tộc ảnh em, trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, đồng bào dân tộc Mông ở Vân Hồ vẫn còn bảo tồn và lưu truyền được nhiều nét văn hóa truyền thống, trong đó phải kể đến Khèn Mông gắn với điệu nhảy Tha Kềnh độc đáo, riêng có.
Tha Kềnh trên cột - Nét Văn hóa độc đáo của đồng bào Mông Vân Hồ
Tha Kềnh trên cột - Nét Văn hóa độc đáo của đồng bào Mông Vân Hồ
           Chiếc khèn được coi là biểu tượng cho văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, được các nghệ nhân chế tác một cách khéo léo, tạo ra âm thanh réo rắt với đủ cung bậc trầm bổng. Chiếc khèn là vật dụng vô cùng quan trọng được bà con sử dụng cả trong các dịp lễ, tết hay hiếu hỉ và trở thành bản sắc độc đáo riêng có trong kho tàng văn hóa dân gian. Âm thanh của loại nhạc cụ này mang âm hưởng của vùng cao Tây Bắc, vừa giản dị, vừa hùng vĩ, thấm sâu vào tâm hồn người Mông, thân quen gắn bó với họ từ lúc sinh ra đến lúc mất đi. Là người con của đồng bào dân tộc Mông, ông Tráng A Lứ, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, có niềm đam mê và hiểu biết cặn kẽ về khèn mông. Ông Lứ cho biết: Ngày trước, những chàng trai giỏi làm khèn, thổi khèn và múa khèn đẹp sẽ có rất nhiều cô gái yêu mến. Nhảy khèn đòi hỏi phải có những bước nhún, bước đảo, bước quay mới tạo nên được điệu nhảy đẹp. Nhảy khèn có các độc tác như: Nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, đặc biệt là khom lưng, quay hất gót tại chỗ. Tiếng khèn làm quên đi những khó khăn, vất vả sau những ngày chăm chỉ lao động mệt nhọc và tiếng khèn giúp cho bà con còn thể hiện được tình đoàn kết và tình yêu đôi lứa
            Nặng lòng với nghệ thuật dân tộc, những nghệ nhân gạo cội như ông Lứ dù tuổi đã cao nhưng vẫn nỗ lực bảo tồn và lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc cho các thế hệ con cháu. Anh Lầu A Dương, bản Bó Nhàng 2, xã Vân Hồ chia sẻ: Tôi thường xuyên đến nhà ông Lứ để học các điệu nhảy khèn, vừa là để lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình cũng như biết được các điệu nhảy cổ của dân tộc, khi học mới đầu cũng rất khó sau được ông hướng dẫn tận tình giờ tôi đã biết cách nhảy khèn thành thạo hơn và thường xuyên đi biểu diễn cùng ông vào những dịp lễ và giao lưu của địa phương tổ chức
            1 điệu Tha Kềnh hoàn chỉnh, ngoài những nghệ nhân Tha Kềnh, không thể thiếu được những bước chân nhún nhảy của các chàng trai, cô gái vùng quanh người thổi khèn. Tùy vào từng sự kiện mà mỗi bài nhạc lại có 1 giai điệu, tiết tấu khác nhau. Đó có thể là những giai điệu tươi vui, phản ánh đời sống lao động, sản xuất, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình bạn bè thắm thiết, cũng có thể là những làn điệu thể hiện lòng biết ơn đối với bậc sinh thành;... Dù là xưa hay nay thì chiếc khèn đã trở thành vật linh thiêng của đồng bào Mông, theo người Mông đi suốt cuộc đời. Anh Tráng A Gia, bản Lóng Luông, xã Lóng Luông nói: Cây khèn không thể thiếu đối với đồng bào dân tộc Mông và cây khèn cũng là một di vật rất là quan trọng gắn liền với dân tộc Mông, đặc biệt là trong những dịp ngày hội, ngày lễ. Là một thế hệ trẻ sau này của các ông cha chắc chắn là sẽ giữ gìn bản sắc, giữ gìn cây Khèn
           Nhiều năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm, tổ chức các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc cho đội ngũ ĐVTN và những người đam mê với văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc, đồng thời khích lệ bà con đồng bào dân tộc Mông nói riêng, các dân tộc thiểu số huyện Vân Hồ nói chung gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo gắn với phát triển du lịch ở địa phương. Bà Nguyễn Thị Lư, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết thêm: Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các công tác bảo tồn, trong đó tiếp tục đi khảo sát và nghiên cứu những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật trình diễn khèn của người Mông cũng như là các giá trị văn hóa truyền thống khác trên địa bàn huyện, tiếp tục tổ chức các lớp truyền dạy và thành lập các câu lạc bộ các đội văn nghệ, vừa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể cũng như là vừa để phục vụ cho phát triển du lịch tạo thêm sản phẩm đa dạng phong phú trong sản phẩm du lịch
            Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch là mục tiêu mà huyện Vân Hồ đang hướng tới. Để lưu giữ giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cùng với các giải pháp và chính sách đặc thù của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, đồng bào dân tộc Mông, nhất là các thế hệ trẻ đang tích cực học tập, gìn giữ, phát huy giá trị độc đáo của nghệ thuật khèn, để tiếng khèn của đồng bào dân tộc Mông ở rẻo cao Vân Hồ sống mãi với thời gian.

Tác giả: Admin

Nguồn tin: T/h: Minh Huệ (Trung tâm TT-VH Vân Hồ_

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây