Độc đáo Tết "Căm Pứn"

Thứ năm - 09/11/2023 02:29 115 0
Tết “Căm Pứn” là tín ngưỡng truyền thống đã có từ xa xưa của đồng bào dân tộc Thái trắng ở huyện Vân Hồ. Khi tiết trời vào độ cuối thu, những bông lúa đã đến kỳ thu hoạch, người dân các xã Liên Hòa, Song Khủa lại tất bật chuẩn bị mâm lễ cúng tổ tiên, nhằm tri ân những người đã có công với bản làng.
         Ông Vì Văn Thiên – Bí thư chi bộ, trưởng bản Tà Lạc, Song Khủa, Vân Hồ cho biết: Truyền thuyết “căm pứn” của người Thái vùng này có khoảng từ thế kỷ XV, khi các cụ di chuyển lên trên này. Trong thời điểm đó là thời phong kiến cho nên mỗi một hộ gia đình phải tham gia làm dân công, mỗi một năm phải đi làm dân công một tháng. Nhưng dân tộc Thái ở vùng này rất ít người, cho nên sau khi thống nhất trong gia đình có một ông tộc trưởng nhận đi làm nhiệm vụ dân công cho chế độ. Trước khi đi thì không biết địa điểm làm dân công ở nơi nào vì rừng núi hiểm trở, chỉ biết là đi làm dân công thôi và theo hướng tay ông chỉ là lên trên đó tức là lên trời. Sau một tháng không thấy ông trở về, sau này con cháu đến đúng ngày đó gọi nhau về chuẩn bị làm giỗ cho cụ.
        Tết “Căm Pứn” được tổ chức vào ngày 30 tháng 8 (âm lịch) hằng năm và có thể kéo dài đến hết tháng 9 nhằm tri ân những người có công với bản làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con cháu nhiều sức khỏe, ấm no hạnh phúc.
        Ông Vì Văn Thiên – Bí thư chi bộ, trưởng bản Tà Lạc, Song Khủa, Vân Hồ cho biết thêm: Sáng mồng 1 là kiêng không nhóm bếp, nếu nhóm bếp sẽ khói các cụ sẽ quay về. Kiêng dựng vợ gả chồng, làm nhà cửa và một số việc khác... vì tổ tiên ông bà sẽ không phù hộ.
         Các món ăn trong tết Căm Pứn của dân tộc Thái chúng tôi thì có rất nhiều, đặc trưng nhất là món cá đồ, gồm có các gia vị: lá rau rừng xả, tấm, lá chua, hạt tiêu, mắk khén, lá dong...
         Ông Vì Văn Thiên – Bí thư chi bộ, trưởng bản Tà Lạc, Song Khủa, Vân Hồ nói: Thời điểm cầu khấn tốt nhất là 20 giờ. Khi trình bầy mâm cỗ đặt ra ngoài, sau đó tất cả những thứ này được đặt trong túi, hoặc bế, để làm sao vừa đủ cho gia tiên đi dân công trong vòng một tháng, còn cây mía có trong mâm cúng là để cho ông cụ chống gậy khi đi đường xa và cũng là để cho cụ làm nước uống.
        Đồng chí Vì Văn Son – Bí thư Đảng ủy xã Song Khủa, Vân Hồ thông tin: Đảng bộ, chính quyền xã Song Khủa sẽ đưa vào nghị quyết, chương trình hành động và sẽ đề xuất, kiến nghị với cấp trên tổ chức Lễ hội gắn với Đền Cô đôi Thượng ngàn nhằm quảng bá du lịch, phát triển KTXH trên địa bàn xã.
         Tết “Căm Pứn” – Biểu tượng của tâm linh, là sức sống trường tồn trong văn hóa tinh thần của dân tộc Thái ở Vân Hồ.

Tác giả: Admin

Nguồn tin: T/h: Minh Huệ, Mạnh Kiên (Trung tâm TTVH Vân Hồ)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây